TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP NUÔI TÔM MÙA NẮNG NÓNG

Thứ tư - 10/08/2022 04:05
Quảng Trị là một trong những nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió phơn khô nóng. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì nền nhiệt mùa hè năm nay có thể cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,50C. Ngành nuôi tôm chịu tác động rất lớn về ảnh hưởng của mùa nắng nóng như dịch bệnh, giá cả thị trường... Nhiệt độ ao tôm có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và hệ sinh thái của tôm. Nếu quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm không tốt, tôm sẽ dễ bị nhiễm bệnh và chậm phát triển. Qua bài viết này chúng tôi xin gửi tới bà con sự tác động của nhiệt độ nước và giải pháp nuôi tôm mùa nắng nóng.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
         Tôm là loài động vật biến nhiệt, do đó mọi biến đổi trong môi trường sống đều gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng, nhất là nhiệt độ. Nhiệt độ nước tác động trực tiếp đến nhiều phương diện đời sống của tôm. Ngưỡng nhiệt độ tối ưu cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt là từ 25 - 300C đối với tôm thẻ và từ 28 - 300C đối với tôm sú. Khi nhiệt độ môi trường ao nuôi tăng cao và trên 350C sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể tôm tăng cao. Theo đó, tôm sử dụng oxi nhiều hơn, lượng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Nhưng lượng men trong cơ thể tôm có hạn nên sự tiêu hóa thức ăn nhanh, nhiều nhưng lại hấp thu vào cơ thể kém và đào thải ra ngoài môi trường làm ô nhiểm nguồn nước, dịch bệnh phát triển và chi phí nuôi tăng cao.
Ngoài một số bệnh phát triển mạnh về mùa hè gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm như phân trắng, hoại tử gan tụy thì nhiệt độ cao gây ra một số bệnh về môi trường như cong thân, đục cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Đặc biệt là vào ban ngày khi tiến hành thăm nhá (nhấc tôm lên khỏi mặt nước), chài kiểm tra tôm hay khi bật tắt quạt làm tôm giật mình. Lúc này cơ thể tôm thay đổi nhiệt đột ngột sẽ rất dễ bị co lại, cong đuôi chạm giáp ngực, phần cơ chạy dọc cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Khi được thả lại xuống nước, chúng không duỗi thẳng cơ thể được nên sẽ chết. Cong thân đục cơ do yếu tố môi trường nhiệt độ không làm tôm chết hàng loạt nhưng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, chất lượng thịt tôm...
      Nhiệt độ cao còn khiến chất thải từ tôm phân hủy nhanh; gây thiếu oxi cục bộ ở tầng đáy; khí độc trong ao như H2S, NO2, NH3... và các vi khuẩn có hại tăng mạnh; tảo trong ao phát triển đặc biệt là tảo lam (Cyanophyto), tảo giáp (Dinophyta) tiết ra độc tố gây hại cho tôm. Tảo phát triển nhanh dẫn đến nhanh tàn gây biến động pH, tăng hàm lượng chất rắn lơ lững trong ao làm môi trường nước nuôi xấu đi.
Thời tiết nắng nóng không chỉ làm cho nhiệt độ nước trong ao tang cao mà còn kéo theo nhiều yếu tố tác động khác đến con tôm. Do đó bà con luôn phải kiểm tra các yếu tố môi trường nước thường xuyên để phát hiện những biểu hiện bất thường và kịp thời xử lý.
          Khi nhiệt độ nước trong ao cao trên 330C, để hạn chế những tổn hại của sự biến động nhiệt độ đến tôm, bà con có thể áp dụng một số biện pháp sau:
+ Giữ mức mước thích hợp cho ao nuôi là từ 1.5m trở lên, kiểm tra và châm thêm nước kịp thời tránh hiện tượng bốc hơi mạnh làm giảm nước trong ao. Nên cấp nước khi trời mát và qua ao lắng đã xữ lý. Đồng thời bổ sung khoáng chất cho ao tránh hiện tượng tôm lột thiếu khoáng chất.
+ Chạy quạt và oxi đáy liên tục để hạn chế sự phân tầng nước, đồng thời có thể sử dụng lưới lan che chắn ao nuôi nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu xuống ao.
+ Giữ độ trong không quá 40cm. Nếu tảo phát triển mạnh cần cắt tảo ngay và tiến hành thay nước, xiphong sạch nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong ao.
+ Luôn duy trì độ pH thích hợp từ 7,5 - 8,5, chênh lệnh ngày đêm không quá 0,5. Bà con nên định kỳ dùng các chế phẩm vi sinh vừa tăng lượng vi sinh vật có lợi trong ao vừa làm ổn định môi trường nước.
+ Tăng cường vitamin C vào buổi sáng và trộn men vi sinh vào buổi tối trong các cử ăn nhằm tưng sức đề kháng và ổn định đường ruột cho tôm.
+ Kiểm tra và đánh giá kịp thời lượng thức ăn dư thừa trong ao để hiệu chỉnh, nên giảm lượng thức ăn vào buổi trưa nắng nóng. Tăng cường xiphong sau những cử ăn.
+ Một điều nữa bà con cần chú ý trước vụ nuôi mùa hè là mật độ thả, bà con nên giảm mật độ nuôi để vừa dễ quản lý, vừa tránh biến động môi trường khó xử lý.
          Trên đây là những cách giúp bà con quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm hiệu quả. Hy vọng thông bài viết bà con sẽ có thêm nhiều cách hơn để kiểm soát tốt nhiệt độ và nuôi tôm đạt năng suất cao. Chúc bà con thành công.
Lê Văn Lưu - Hoàng Kim Khánh - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây