VAI TRÒ CỦA KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thứ tư - 20/09/2023 23:21
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Hơn 10 năm qua triển khai thực hiện Chương trình, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã huy động được cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa trên khắp các địa bàn nông thôn; nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và tích cực hưởng ứng tham gia phong trào với việc hiến đất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Trung tâm Khuyến nông kiểm tra mô hình trồng cây đậu xanh trên vùng đất bị bồi lấp do ảnh hưởng lũ lụt năm 2020 tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Trung tâm Khuyến nông kiểm tra mô hình trồng cây đậu xanh trên vùng đất bị bồi lấp do ảnh hưởng lũ lụt năm 2020 tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông
       Đến nay, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đem lại những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; tình làng, nghĩa xóm ngày càng được gắn bó thắt chặt; môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự xã hội nông thôn ngày càng ổn định. Đến nay toàn tỉnh có 01 huyện đạt chuẩn,  có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,3% số xã, tiêu chí đạt bình quân là 14,3 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
       Có được những kết quả đó là nhờ vào sự đóng góp không nhỏ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; sự chung tay, góp sức của đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong các năm qua. Để thực hiện được các tiêu chí này, đòi hỏi phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền ở địa phương, nhất là cấp cơ sở.

Bản chất cốt lõi của xây dựng nông thôn mới đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, việc nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, liên doanh, liên kết, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân làm chủ trên luống cày của mình, để hỗ trợ cho người dân thực hiện các nội dung này thì vai trò của Khuyến nông là rất quan trọng, với vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân và thị trường góp phần trong xây dựng nông thôn mới, thông qua các hoạt động, cụ thể như sau:

1. Đối với bộ tiêu chí xã nông thôn mới
        Trong 19 tiêu chí (thuộc 5 nhóm tiêu chí) của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, có 3 tiêu chí liên quan trực tiếp đến vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông. Đó là các tiêu chí thuộc nhóm III về kinh tế và tổ chức sản xuất, bao gồm: Tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 nghèo đa chiều và tiêu chí số 13 tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, đối với tiêu chí 13 thì Chính phủ quy định có chỉ tiêu 13.6. có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả nhằm hình thành một tổ chức hỗ trợ cho người dân thực hiện nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất.  Đến nay trên địa bàn tỉnh các địa phương cũng đã thành lập tổ Khuyến nông cộng đồng và đã ban hành quy chế hoạt động của tổ Khuyến nông cộng đồng đây là một trong những bước đi nhằm nâng cao năng lực cho hoạt động khuyến nông, Khuyến nông cộng đồng cũng đã đa dạng chức năng, nhiệm vụ của khuyến nông cơ sở
       Đối với nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, Khuyến nông có vai trò trong hướng dẫn các xã xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. Tuyên truyền, vận động các địa phương tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, nông dân được tổ chức sản xuất theo nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã. Thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến nông sản…) đầu tư trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn. Ngoài ra, triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc, lý thuyết gắn với thực hành, giúp cho nhân dân địa phương thay đổi nhận thức trong cung cách làm ăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo một cách căn cơ, bền vững.
        Đối với tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí cấp xã, cùng với phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, Khuyến nông đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hợp tác, liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các hình thức hợp tác sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, các nhóm nông dân cùng sở thích hoặc câu lạc bộ sản xuất; liên kết với doanh nghiệp... nhằm tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ nông sản, theo định hướng Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
2. Đối với bộ tiêu chí huyện nông thôn mới
       Thực hiện Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng huyện nông thôn mới; quy định thị xã thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, theo đó tại Tiêu chí số 6 (kinh tế), chỉ tiêu 6.4. Có Trung tâm kỷ thuật nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong thời gian đến thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nội dung: "Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện” để đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg./.
Việc hợp nhất các đơn vị sẽ từng bước hình thành một đơn vị sự nghiệp độc lập để làm tốt các dịch vụ nông nghiệp cho người dân nông thôn, trong đó có các dịch vụ khuyến nông cơ sở. Hiện nay Sở NN và PTNT đang phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện để xúc tiến việc thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đảm bảo đến cuối năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn và 01 huyện đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu.
TRẦN TRỌNG TUẤN
Phó chánh Văn phòng - Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây