HỆ THỐNG KHUYẾN NÔNG ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ tư - 20/09/2023 04:50
Sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, nông nghiệp Quảng Trị đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong thành công của ngành nông nghiệp và PTNT cuả tỉnh có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống khuyến nông. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập khuyến nông của tỉnh, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã nhận lời phỏng vấn Báo Quảng Trị. Thưa đồng chí! Để có được thành tựu hoạt động của hệ thông khuyến nông như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh thông qua ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh. Vậy xin đồng chí cho biết những quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh như thế nào?
        Hệ thống tổ chức Khuyến nông Quảng Trị chính thức ra đời vào năm 1993, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 13CP ngày 02/3/1993 quy định về công tác khuyến nông; được kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và ngày càng phát triển vững mạnh.
       Ở cấp tỉnh, ngày 28/10/1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1169/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị trực thuộc Sở Nông nghiệp. Sau khi sáp nhập 3 Sở: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi vào tháng 7/1996 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 07/8/1996 về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm; Trung tâm Khuyến ngư được thành lập theo Quyết định số 2492/2002/QĐ-UBND ngày 27/11/2002. Để phù hợp trong giai đoạn mới, ngày 24/2/2009 thành lập Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư trên cơ sở hợp nhất 2 Trung tâm: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm và Trung tâm Khuyến ngư; ngày 25/02/2016, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Khuyến nông theo Quyết định 05/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị.
      Ở cấp huyện, ngày 7/9/1995 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 927/QĐ-UBND thành lập Trạm Khuyến nông huyện, qua nhiều lần thay đổi đến nay các huyện, thị xã, thành phố đổi tên thành Trạm Khuyến nông, hiện nay toàn tỉnh có 9 Trạm Khuyến nông huyện, thị xã và thành phố.
       Ở cấp cơ sở, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở xã, phường, thị trấn được thành lập theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 30/1/2008, năm 2017 được kiện toàn theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh. Hệ thống khuyến nông được hình thành đến thôn bản và được hưởng phụ cấp (khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản). Ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 161/2021/NQ-HĐND về Quy định mức hỗ trợ và ngân sách bố trí cho công tác khuyến nông và thú y trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục duy trì và hỗ trợ chế độ cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông cơ sở.
        Ngoài ra, để nâng cao công tác khuyến nông hướng về cộng đồng, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, từ 02 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và 08 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng theo đề án, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 105 tổ khuyến nông cộng đồng với 775 thành viên
- Đồng chí đánh giá như thế nào về những thành tựu của hoạt động khuyến nông trong 30 năm qua?
        Là một tỉnh thuần nông, sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, trong đó có hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã đưa ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu quan trọng, là trụ đỡ vững chắc, góp phần đảm bảo sự ổn định kinh tế của tỉnh nhà trong các năm qua. 
        Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, những người làm khuyến nông Quảng Trị đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ những người làm công tác khuyến nông luôn đồng hành, sát cánh với nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong chỉ đạo sản xuất, xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều lớp  đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân được tổ chức kịp thờichuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của Đảng và Nhà nước; đồng hành cùng người nông dân để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trên con đường hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. 
        Ba mươi năm qua, hệ thống Khuyến nông đã có những đóng góp không nhỏ, tạo nên sự tăng trưởng về năng suất, chất lượng nông sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động khuyến nông gắn liền với hoạt động sản xuất của nông dân, kịp thời nắm bắt được nhu cầu của người sản xuất và yêu cầu phát triển nông nghiệp,  nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được người nông dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nhiều mô hình thành công đã được nhân ra diện rộng... Thông qua công tác khuyến nông, trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên; tư duy, nhận thức của người dân được đổi mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng  .
- Trong thời gian tới, đồng chí có sự chỉ đạo gì đối với công tác khuyến nông của tỉnh? 
        Tỉnh Quảng Trị đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mục tiêu Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 1/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kết luận số 168-KL/TU ngày 04/11/2021 của             Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do vậy hệ thống khuyến nông cũng phải đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. 
- Ðẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển hình thức hợp tác công-tư để thu hút, huy động các nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, đặc biệt cho sản xuất vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập đời sống người dân.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa công tác khuyến nông, đảm bảo kết nối, liên thông trong hệ thống khuyến nông tạo điều kiện cho người cán bộ cơ sở, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, kịp thời, thuận lợi, nhất là nông dân ở các vùng sâu, vùng xa góp phần thay đổi tư duy, cải thiện tập quán canh tác, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao nhu cầu của thị trường.
       Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp nêu trên, trong thời gian tới hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cao hơn nữa; bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp, đạt hiệu quả cao, theo định hướng tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh sản xuất, tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình ứng dụng KHCN để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường... Tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, huấn luyện, thông tin, tuyên truyền để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm thay đổi tư duy, nhận thức đáp ứng ngày càng cao của nhu cầu tái cơ cấu ngành. Hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật mới; thông tin, kiến thức mang tính chất cộng đồng để đúng theo khẩu hiệu “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. Khuyến nông không chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật mà khuyến nông phải gắn với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội... giúp người nông dân tổ chức lại sản xuất, nâng cao tri thức, chuyển đổi tư duy từ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sang hỗ trợ nông dân có kiến thức, kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hà Vân An (thực hiện) 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây