XỨNG ĐÁNG LÀ NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA NÔNG DÂN

Thứ tư - 20/09/2023 21:55
Hệ thống tổ chức KN Quảng Trị chính thức ra đời vào năm 1993, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 13-CP quy định về công tác khuyến nông. Trải qua 30 năm hoạt động, Trung tâm khuyến nông đã không ngừng được củng cố, phát triển và trưởng thành. Hiện nay, lực lượng KN Quảng Trị có 175 người. Trong đó: cấp tỉnh 24 người, cấp huyện có 30 người và 121 nhân viên KN xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, thực hiện đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, từ 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và 8 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng theo đề án. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã thành lập được 107 tổ KN cộng đồng với 770 thành viên.
Đc Võ Văn Hưng và lãnh đạo sở NN thăm mô hình lúa vụ Đông Xuân  2020 2021 tại Gio Linh
Đc Võ Văn Hưng và lãnh đạo sở NN thăm mô hình lúa vụ Đông Xuân 2020 2021 tại Gio Linh
        Phần lớn lực lượng khuyến nông các cấp được đào tạo nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ khuyến nông, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với nghề, thường xuyên bám sát cơ sở. Các hoạt động KN đều gắn liền với hoạt động sản xuất của nông dân, xác định được nhu cầu của người sản xuất và yêu cầu phát triển nông nghiệp. Thông qua công tác khuyến nông, trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nhanh khoa học kỹ thuật để có những quyết định đúng đắn trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình trình diễn sau khi chuyển giao đã được nông dân tiếp tục áp dụng vào sản xuất, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế bền vững. 
        Có thể dẫn chứng là để đạt hiệu quả cao trong công tác đào tạo, huấn luyện, thông tin, tuyên truyền, Trung tâm KN đã chủ động phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị... xây dựng các chuyên mục “Trang nông nghiệp” hàng năm phát sóng 26 chuyên mục với 156 buổi, “Bạn Nhà nông” với 26 chuyên mục, để cung cấp cho nông dân những thông tin cơ bản về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân nắm bắt kịp thời, chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm biên soạn và phát hành 12.000 bản tin “Nông nghiệp”, 700 bộ lịch nông vụ để thông tin chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, những việc nhà nông cần làm trong năm. Ngoài ra hàng năm tổ chức khoảng 15 hội nghị, hội thảo đầu bờ, Tọa đàm, Khuyến nông @ nhằm trao đổi chia sẻ cách làm hay trong sản xuất. Ngoài ra, công tác đào tạo huấn luyện cũng được quan tâm, hàng năm tổ chức trên 100 lớp tập huấn cho nông dân có trên 5.000 lượt người tham gia, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên khuyến nông cấp xã, tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho nông thôn.
          Trong công tác khuyến nông trồng trọt đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, mô hình áp dụng máy móc cơ giới hóa nông nghiệp, đảm bảo hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và người sản xuất. 
       Có thể kể đến như đã khảo nghiệm, khu vực hoá, nâng cấp và chuyển giao đến nông dân nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt làm bộ giống chủ lực sản xuất cho hai vụ lúa của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng lúa của tỉnh. Các mô hình trình diễn 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 trong sản xuất lúa, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuyển giao các giống mới và tiến bộ kỹ thuật mới như công cụ sạ hàng, sạ cụm, mạ khay mấy cấy, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập 20 – 30 đồng/ha. Để hướng dẫn người dân chủ động thích ứng với tình hình thiếu nước trong vụ Hè Thu, trung tâm đã xây dựng các mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, ngô lấy hạt, ngô sinh khối, dưa hấu, cho thu nhập từ 50 triệu – 100 triệu đồng/ha. Trên vùng gò đồi, trung du miền núi đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, cam bưởi, sầu riêng, chuối... giúp người dân đa dạng hóa các giống cây ăn quả, đặc biệt cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đối với vùng miền núi Hướng Hóa, đã tập trung xây dựng các mô hình thâm canh và tái canh cây cà phê để người dân mạnh dạn thay thế diện tích cà phê già cỗi từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê, trong giai đoạn 2020-2023 đã thực hiện dự án tái canh cây cà phê có trồng xen cây ăn quả che bóng với quy mô 30 ha, hiện nay đã cho thu bói năng suất 7-8 tấn/ha, dự kiến vào chu kỳ kinh doanh, năng suất đạt 15-20 tấn/ha, tăng hơn sản xuất đại trà 20%, sau khi kết thúc dự án đã nhân rộng trên 100 ha.
        Trong công tác khuyến nông chăn nuôi, chương trình cải tạo đàn bò và chăn nuôi bò thâm canh, nuôi bò vỗ béo được xem là “điểm sáng” với nguồn thu mang lại cho nông dân trên 50 tỉ đồng/năm. Được thực hiện liên tục từ năm 1995, hàng năm có trên 9.000 bê lai zêbu ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò vàng địa phương. Từ năm 2020 Trung tâm tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt với các giống tinh nhập ngoại bò BBB, Brahman với mỗi năm có hơn 6.000 bê lai hướng thịt ra đời mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với bò vàng địa phương. Góp phần đưa tỉ lệ đàn bò lai toàn tỉnh đạt 69% ( năm 2022). 
        Một thành công nữa trong chăn nuôi đó là đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học thức ăn, chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh vào sản xuất đối với chăn lợn, gia cầm. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi có đầu tư thâm canh. Hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX. Góp phần đưa tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 25,9% năm 2017 lên 31,68% năm 2020.
        Đối với công tác khuyến lâm, đã đẩy mạnh triển khai các mô hình trồng khảo nghiệm, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nghề rừng một cách có chất lượng và số lượng. Góp phần chuyển dần phương thức canh tác quảng canh trong sản xuất sang phương thức canh tác thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp tạo sự gắn bó của bà con nông dân với nghề rừng. Nhằm khai thác tiềm năng vùng cát nội đồng và vùng gò đồi. Trung tâm đã xây dựng các mô hình trồng keo lưỡi liềm trên vùng cát, giúp giữ ẩm, cải tạo đất vùng cát; các mô hình nông lâm kết hợp vùng đồi giúp phát triển lâm nghiệp bền vững. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, đã thực hiện các mô hình chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn với quy mô 116 ha; trồng rừng gỗ lớn giống Keo lai nuôi cấy mô, Keo tai tượng Úc tăng nhanh về sinh khối, chất lượng gỗ rừng trồng làm nguyên liệu chế biến và xuất khẩu với quy mô 165ha. Nếu như trước đây năng suất 1 ha rừng kinh tế chỉ đạt 50m3/ha/chu kỳ 5 năm gỗ nhỏ, đạt 220-250m3/ha/chu kỳ 10 năm gỗ lớn. Giá trị kinh tế rừng một chu kỳ Keo gỗ lớn cao gấp 1,5-2 lần so 2 chu kỳ gỗ nhỏ, cho thu nhập lên đến 300 triệu đồng/ha.
        Đối với lĩnh vực khuyến ngư, đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nông dân. Các chương trình, dự án khuyến ngư không ngừng được đẩy mạnh, góp phần rất quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh nhà ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Có thể kể đến như các mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc cho năng suất từ 23 – 28 tấn/ha, lợi nhuận từ 250 – 600 triệu đồng/ha; nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đạt năng suất từ 3,5 – 4,3 tấn/ha, lợi nhuận từ 140 – 360 triệu đồng/ha. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn có ưu điểm nổi bật là hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là hội chứng chết sớm trên tôm, rút ngắn thời gian nuôi, tôm phát triển nhanh, không sử dụng hóa chất và kháng sinh, chi phí sản xuất thấp. Mô hình nuôi tôm kết hợp với cá và cua trong ao giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, là một giải pháp tốt và an toàn cho các ao nuôi kém hiệu quả vùng thấp triều. Đã du nhập nhiều đối tượng nuôi mới như cá dìa, cá kình, cá leo nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản đã chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cải tiến ngư lưới cụ, cơ giới hóa nghề cá, sử dụng các phương pháp bảo quản, cải hoán hầm tàu mới đã giúp ngư dân mạnh dạn trong đầu tư mua sắm tàu mới, vươn khơi xa khai thác có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập vươn lên làm giàu. Đơn cử như mô hình ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác hải sản xa bờ đã rút ngắn thời gian tìm kiếm ngư trường, giảm chi phí trực tiếp, giảm chi phí nhiên liệu trên 25%, tăng năng suất trên 180% so với trước đây; mô hình hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới PU đạt tiêu chuẩn giữ lạnh lâu, tăng tỉ lệ sử dụng nước đá lên 95% , giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, giảm tỉ lệ hao hụt sản phẩm sau khai thác < 15%, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó còn triển khai thành công các mô hình như: mô hình lưới rê bùng nhùng, lưới rê hỗn hợp cải tiến, lưới rê cá chim, lưới chụp mực 4 tăng công, cải tiến lồng bẫy xếp, máy thu thủy lực cho lưới vây, lưới rê cá chim, cá chuồn, lồng bẫy ghẹ, mô hình bảo quản sản phẩm trên tàu cá, mô hình chế biến thức ăn tại chổ... giúp ngư dân khai thác được nhiều chủng loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho mỗi chuyến biển.
        Không chỉ làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ KN còn trực tiếp chủ trì, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới được Hội đồng khoa học đánh giá cao về kết quả thực tiễn và được đông đảo nông dân quan tâm, ứng dụng vào sản xuất. Có thể khẳng định, với những hoạt động hết sức hiệu quả trong thời gian qua đã làm cho mối quan hệ giữa khuyến nông với nông dân ngày càng gắn kết chặt chẽ, đội ngũ cán bộ làm công tác KN đã thực sự trở thành người bạn đồng hành của nông dân.
         Trong thời gian tới hoạt động KN tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của ngành, địa phương, để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các mô hình liên kết, xây dựng mô hình ứng dụng KHCN để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường... góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 1/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
         Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Ðẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, phát triển hình thức hợp tác công – tư để thu hút, huy động các nguồn nhân lực, vật lực, kết hợp với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm, đặc biệt cho sản xuất vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xóa đói, giảm nghèo.
         Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động thông tin truyền thông, đào tạo huấn luyện khuyến nông có phạm vi ảnh hưởng, tác động rộng tới sản xuất. Bảo đảm thông tin thường xuyên, liên tục theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với các mô hình, dự án khuyến nông, có địa chỉ cụ thể, được chia sẽ, kết nối liên thông trong hệ thống khuyến nông và giữa hệ thống khuyến nông với các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận, nhất là nông dân ở các vùng sâu, vùng xa góp phần cải thiện tập quán canh tác, nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, gắn với xây dựng nông thôn mới.
        Phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong 30 năm qua, thời gian tới, Trung tâm KN cần tiếp tục bám sát, chiến lược phát triển của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến 2030, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. 
         Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Nội dung hoạt động khuyến nông cần cụ thể, thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ tiến bộ, các kinh nghiệm, điển hình tiên tiến, sát với  thực tiễn sản xuất của địa phương và điều kiện của hộ nông dân. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức tổ chức quản lý trang trại, kiến thức kinh doanh, cung cấp thông tin, tăng cường kết nối các đối tác trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản để giúp nông dân chủ động tham gia vào thị trường công nghệ, vật tư và nông sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
          Đa dạng hóa các phương pháp và phương tiện khuyến nông, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các kênh thông tin khuyến nông. Các nội dung tuyên truyền, chuyển giao phải được xác định, lựa chọn phù hợp với nhu cầu, điều kiện canh tác, thời vụ, trình độ, khả năng sản xuất nông nghiệp từng vùng, từng địa phương; trong đó tập trung các nội dung liên quan đến sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, VietGAP, sản xuất hàng hóa chất lượng cao có liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo kết nối liên thông trong hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương và giữa hệ thống khuyến nông với các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân dễ dàng tiếp cận, nhất là nông dân ở các vùng sâu, vùng xa.
        Kêu gọi và tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức trong nước và quốc tế cho các hoạt động khuyến nông. Phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ để nghiên cứu chuyển giao, nhân rộng các chương trình, mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào công tác khuyến nông để tạo cơ hội cho đối tượng hưởng lợi  tiếp cận, lựa chọn dịch vụ phù hợp và tốt nhất.
Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NN & PTNT Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây