Tại Hội thảo Triển khai hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ FSC, PESC, VFSC vùng Duyên hải miền Trung, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu:“Các doanh nghiệp cần xem tổ khuyến nông cộng đồng là khách hàng. Doanh nghiệp muốn mua được gỗ đạt tiêu chuẩn thì có thể thông qua tổ khuyến nông cộng đồng để đặt hàng...”
Trên hành trình của mình, các tổ KNCĐ đã làm gì để trở thành khách hàng của doanh nghiệp?
Được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 nhưng theo ông Võ Thanh Tú, Phó chủ tịch UBND xã- Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ), đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thể coi đơn vị này là khách hàng bởi nhiều lý do.
Theo ông Tú, Tổ KNCĐ xã Cam Thủy được thành lập bao gồm Phó Chủ tịch UBND xã và hội viên HTX. Hoạt động của tổ KNCD tuân thủ nguyên tắc không bổ sung thêm biên chế và ngân sách. Điều này, về lý thuyết là phù hợp với tinh giản biên chế nhưng lại thêm việc cho các thành viên. Tuy nhiên, thời gian đầu, các thành viên tổ KNCĐ gần như chưa có thu nhập gì thêm để khuyến khích hoạt động.
Bên cạnh đó, muốn trở thành khách hàng của doanh nghiệp thì đương nhiên tổ KNCĐ phải tạo dựng được niềm tin. Đây không phải là câu chuyện ngày một ngày hai có thể làm được; phải dựa trên những gì tổ KNCĐ có và xây dựng trong một khoảng thời gian nhất định. Trong đó không thể thiếu các kiến thức về thương mại, tổ chức sản xuất, kiến thức thành lập doanh nghiệp và liên kết bao tiêu sản phẩm.
“Thành viên tổ KNCĐ đồng thời cũng là các thành viên hợp tác xã. Nếu không thành lập tổ KNCĐ họ vẫn đi làm công việc bình thường như các xã viên khác. Vì vậy, tách bạch đâu là việc của tổ KNCĐ, đâu là việc của HTX là rất khó. Đã là thành viên tổ KNCĐ phải hội tụ các yếu tố về kiến thức tư vấn thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp... Khi đã có điều kiện cần và đủ thì khách hàng tiềm năng mới xuất hiện để tạo ra nguồn nuôi sống họ. Tổ KNCĐ cũng cần có những chính sách ưu tiên thực hiện các mô hình khi có điều kiện” – ông Tú cho hay.
Xã Cam Thủy hiện có trên 700 ha rừng. Trong đó có 26,5 rừng gỗ lớn FSC có liên kết với doanh nghiệp. Đây được coi là dư địa cho hoạt động tổ chức sản xuất của HTX cũng như tổ KNCĐ. Tuy nhiên, với việc mới được thành lập, nhiều khó khăn trước mắt, Tổ KNCĐ xã Cam Thủy gần như chưa tạo dựng cho mình một vị thế xứng đáng với kỳ vọng.
Đây có lẽ cũng là thực trạng đang diễn ra với hầu hết các tổ KNCĐ cấp xã và các tổ KNCĐ liên huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cần một “xung lực” cho các tổ KNCĐ
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương và địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành chủ trương thành lập tổ KNCĐ cấp xã. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 272/QĐ-SNN ngày 16/12/2022 về việc ban hành Quy chế hoạt động mẫu của tổ KNCĐ cấp xã và văn bản số 3001/SNN-HD ngày 16/12/2022 về việc Hướng dẫn thành lập các tổ KNCĐ cấp xã. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng phối hợp với UBND các huyện đã triển khai đến các xã để tiến hành phổ biến và hướng dẫn thành lập Tổ KNCĐ cấp xã trên toàn tỉnh.
Đến thời điểm cuối tháng 6/2023 (không tính 02 tổ KNCĐ điểm), toàn tỉnh đã thành lập được 105 tổ KNCĐ cấp xã với 756 thành viên (105/112 xã, thị trấn của tỉnh Quảng Trị đã có tổ KNCĐ được thành lập và đang đi vào hoạt động).
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nhìn nhận: “Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông – nông dân – doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản”.
Như vậy, các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đã được đặt ở vị trí trung tâm trong mối quan hệ giữa cán bộ khuyến nông cấp xã, nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Theo ông Cẩn, các Tổ KNCĐ mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Các thành viên trong các tổ KNCĐ còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ; đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung...
Bên cạnh đó, trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ KNCĐ còn thiếu. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vai trò của Tổ KNCĐ trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.Cán bộ nhân viên xã nói riêng và các thành viên tổ KNCĐ nói chung đều có phụ cấp thấp, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, đa số không có chuyên môn sâu về nông nghiệp và kỹ năng thực hiện các hoạt động khuyến nông tại cộng đồng còn hạn chế. Địa bàn hoạt động của các tổ KNCĐ rộng, rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.Diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất còn mang tính truyền thống.Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình đô thị hóa nông thôn còn chậm.Sự già hóa trong lao động nông nghiệp ngày càng tăng nên tư tưởng ngại chuyển đổi và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế…
Đây là những yếu tố gây gây ra nhiều khó khăn cho hoạt độngcủa các tổ KNCĐ, nhất là trong thời gian mới thành lập.
Những khó khăn đó khiến các tổ KNCĐ hiện vẫn chưa thể hiện rõ nét vai trò nhiệm vụ của mình.
Theo quy chế, nhiệm vụ chính của các tổ KNCĐ là chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; hướng dẫn chuyển đổi số hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, tư vấn, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử, hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử và xây dựng nông thôn mới…Tuy nhiên, phần lớn các Tổ KNCĐ cấp xã mới thành lập và đi vào hoạt động nên chủ yếu mới hoạt động ở khâu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, nắm bắt thông tin, cập nhật, báo cáo, phản hồi và đề xuất các hoạt động can thiệp trong sản xuất nông nghiệp cho người dân….
Mặt khác, do mới thành lập nên các tổ hoạt động rất bị động, lúng túng, chưa có kế hoạch cụ thể. Phần lớn các xã thành lập để đảm bảo đủ tiêu chí xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, chưa đi vào hoạt động thực chất nên chưa xây dựng kế hoạch hoạt động, chưa bố trí nơi làm việc và chưa có kinh phí hoạt động ban đầu…
Trước thực trạng này, ông Cẩn cho rằng, các tổ KNCĐ cần một xung lực đủ mạnh để hoạt động ngày càng hiệu quả. Các địa phương phải coi việc thành lập các tổ KNCĐ không chỉ là để hợp thức hóa một tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mà phải đi vào hoạt động thực chất.
Võ Dũng – Báo Nông nghiệp