KHUYẾN NÔNG CƠ SỞ NGÀY CÀNG TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THEO YÊU CẦU MỚI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thứ ba - 06/06/2023 23:27
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Khuyến nông được hình thành năm 1993 sau Nghị định 13 của Chính phủ ban hành về công tác khuyến nông. Trong bước chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế nông nghiệp, hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân. Trong giai đoạn hội nhập, khuyến nông hướng tới những hoạt động sâu rộng hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển sản xuất nông nghiệp. Mạng lưới khuyến nông cơ sở của tỉnh ta được thành lập theo nghị quyết 12/2007/NQ-HĐND ngày 10/8/2007 của HĐND tỉnh về hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công cơ sở đến năm 2010, chiến lược đến năm 2020. Quyết định 04/2008/QĐ-UBND ngày 30/01/2008 về việc ban hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý và chế độ chính sách đối với nhân viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến nay qua 15 năm thành lập và kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở giai đoạn 2017-2020 theo nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 161/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh. Số lượng nhân viên khuyến nông xã/phường đủ tiêu chuẩn được tuyển dụng là 121 người. Khuyến nông viên đóng góp tích cực vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Là cầu nối giữa cơ quan nhà nước và bà con nông, lâm, ngư dân trong công tác vận động, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước đến người dân nhanh, kịp thời và mang lại hiệu quả. Nhiều khuyến nông viên đã trưởng thành lên trong công tác và được đề bạt lên các vị trí quan trọng của xã như phó chủ tịch, chủ tịch Hội nông dân và nhiều KNV là gương điển hình sản xuất giỏi tại địa phương mình phụ trách. Quảng trị cũng như các tỉnh thành có mạng lưới khuyến nông cơ sở hoạt động bền vững và ổn định như Sơn la, Bắc giang, Phú thọ, Vĩnh phúc, Hải phòng, Nghệ an, Sóc trăng, Vĩnh long,... và thực tế cho thấy những tỉnh có đội ngũ cán bộ KNVCS mạnh chính là nơi triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân. Tỉnh ta có 09 huyện, thị và thành phố, trong đó có 130 xã/phường và 11 thị trấn, với 299 HTX SX&DVNN, 858 thôn bản, 224 khu phố. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, các mô hình sản xuất, trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi, rừng trồng, thủy sản phát triển. Công nghệ 4.0 được áp dụng vào sản xuất, nông dân đã hướng tới sản xuất hàng hóa, nông sản sạch, hửu cơ để tạo ra sản phẩm có nguồn gốc, tin cậy, an toàn. Nhiều hộ dân đã trồng rau hoặc hoa nhà lưới, nhà kín, trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ tự động nhằm giảm chí phí lao động, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Cán bộ khuyến nông cơ sở được bà con nông dân tin tưởng, là người bạn đồng hành cùng nhà nông trong sản xuất nông nghiệp. Trong tình hình hiện nay, yêu cầu đòi hỏi đáp ứng của sản xuất ngày càng cao, trong lúc đó biên chế của mỗi Trạm khuyến nông huyện chỉ có 3-4 người. Vì thế việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ khuyến nông viên các xã/phường là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh hoạt động khuyến nông toàn diện.
 
          Khuyến nông viên cơ sở là bộ phận phụ trách nông nghiệp của các xã/phường. Với chỉ tiêu mỗi xã/phường có một cán bộ khuyến nông chịu sự quản lý về chuyên môn của Trạm khuyến nông và sự phân công nhiệm vụ của UBND xã. Vai trò nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông cơ sở là rất cần thiết, bởi vì bà con nông dân cần hướng dẫn về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi. Hơn thế nữa, nông dân cần được tư vấn, giải đáp những vấn đề thực tế sản xuất đặt ra tại địa phương, những hổ trợ kịp thời trong mùa vụ hoặc khắc phục khi diễn biến thời tiết thiên tai bão lụt, những hướng dẫn để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế và còn rất nhiều vấn đề khác ở cơ sở đặt ra hàng ngày đòi hỏi phải thực hiện. Cán bộ khuyến nông còn thuyết phục nông dân bằng các mô hình trình diễn, qua đó nông dân sẽ yên tâm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Xây dựng và phát triển hệ thống khuyến nông viên là điều kiện tốt để sinh viên tốt nghiệp các trường Ðại học, Cao đẳng hoặc Trung cấp nông nghiệp có cơ hội làm việc đúng với chuyên môn được đào tạo. Kết quả sản phẩm nông nghiệp, lương thực và thực phẩm đều được tạo ra trên địa bàn thôn xã, các chủ trương chính sách nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn mới triển khai ở địa bàn xã/phường. Kinh tế ở xã/phường phát triển thì kinh tế huyện, tỉnh nhà phát triển. Vì thế khi hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở mạnh, chất lượng cao thì sẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển không ngừng và vững chắc. Ðội ngũ khuyến nông viên là những người sinh sống ở thôn bản, am hiểu phong tục tập quán của người dân, được người dân tín nhiệm nên việc tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật, chọn lựa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất sẽ sát thực tiễn. Góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vì vậy cán bộ khuyến nông viên phải là những người 3 biết: biết nói, biết làm và biết lắng nghe. Họ chính là cầu nối quan trọng để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đến với người nông dân.  Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về nông nghiệp, về xây dựng nông thôn mới có sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Họ là người “cầm tay, chỉ việc” giúp nông dân thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật từ khi triển khai đến kết thúc các mô hình. Đội ngũ khuyến nông là một nguồn lực quan trọng giúp bà con nông dân gia tang sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, là tiền đề quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của tỉnh ta. Đội ngũ khuyến nông viên luôn nắm bắt các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tiến độ sản xuất nơi mình phụ trách để phản ánh kịp thời trong các phiên họp tuần, hàng tháng và đề xuất phương hướng giải quyết. Vì vậy hoạt động khuyến nông không thể thiếu ở mỗi xã, mỗi làng, thôn bản và đối với từng hộ nông dân. Công việc cụ thể của khuyến nông cơ sở:
          ▪ Phụ trách toàn bộ công tác khuyến nông ở xã/phường, tham gia công tác quản lý sản xuất chung của xã như tiến độ sản xuất, dịch bệnh hại cây trồng vật nuôi.
          Tiếp thu những chính sách về khuyến nông và phát triển nông thôn, những TBKT mới phổ biến cho nông dân.
Biết xây dựng, hướng dẫn mô hình trình diễn, phát hiện những điển hình về sản xuất, hộ nông dân sản xuất giỏi để tổ chức cho nông dân học tập.
          Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân về những TBKT mới, về những điển hình sản xuất hiệu quả. Tổ chức CLB khuyến nông hoặc nhóm nông dân sở thích ở xã và thôn bản.
          Xác định nhu cầu của nông dân, phối hợp tìm kiếm thị trường và nguồn tín dụng cho nông dân. Theo dỏi, đánh giá các hoạt động khuyến nông và báo cáo những diễn biến đột xuất với Trạm khuyến nông để có biện pháp xử lý kịp thời.
Vì vậy để đội ngũ khuyến nông cơ sở ngày càng phát triển và bền vững, cần tăng cường nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để ngày càng trưởng thành đáp ứng nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, xã hội hoá khuyến nông. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, hình thành liên kết chuỗi trong tiêu thụ nông sản. Vì thế đội ngũ khuyến nông cơ sở cần thường xuyên được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng để ngày càng vững mạnh và đáp ứng với xu thế hội nhập.
Võ Ðức Quốc – Trạm Khuyến nông Thị xã Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây