Tại các phiên làm việc: Tổ trưởng nêu lên chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp của tổ KNCĐ: “hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã về khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Đồng thời: nắm bắt kế hoạch triển khai chỉ đạo phát triển sản xuất của các xã; chương trình xây dựng nông thôn mới; các khó khăn và nhu cầu của địa phương trong tổ chức sản xuất; kế hoạch quản lý, vận hành của tổ máy bay không người lái”.
Phiên làm việc của tổ KNCĐ với UBND xã Triệu Thành huyên Triệu Phong
“Cần lựa chọn và xây dựng các chương trình khuyến nông phù hợp với điều kiện của mỗi xã. Đổi mới phương thức truyền đạt của cán bộ tổ KNCĐ cho phù hợp với trình độ của người dân. Tăng cường hướng dẫn xây dựng, giám sát các tổ khuyến nông cấp xã. Đa dạng hoá dịch vụ kỹ thuật lẫn dịch vụ tư vấn, đào tạo chuyển giao các kỹ thuật mới, cấp thông tin, kiến thức giúp người nông dân đưa ra các quyết định đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Xuất phát từ vai trò và nhiệm vụ trên, tổ KNCĐ đã lập kế hoạch và xây dựng mô hình chuyến hóa rừng trồng keo gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại hộ Ông Lê Văn Trung thôn Thượng Phước xã Triệu Thượng với diện tích 3,7 ha, rừng 4 năm tuổi, mật độ 2.200 cây/ha. Anh Trung tâm sự “trước đây, tôi có thói quen trồng rừng dày, thu hoạch sớm bán gỗ dăm. Lợi nhuận thu được của rừng kinh doanh gỗ nhỏ thấp chưa có khả năng tích lũy, làm giàu từ rừng. Sau khi cán bộ tổ KNCĐ phổ biến truyên tuyền đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ, tôi thấu hiểu và thấy được lợi ích từ mô hình chuyển hóa rừng trồng keo gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nên quyết định đầu tư làm theo ”
Cán bộ tổ KNCĐ xây dựng mô hình chuyển hóa rừng trồng keo gỗ nhỏ sang gỗ lớn
tại hộ anh Lê Văn Trung thôn thượng Phước xã Triệu Thượng huyện Triệu Phong
Tại phiên làm việc với xã Hải Phú anh Lương Trung Quốc - Phó chủ tịch xã cho biết: “Nhiều năm nay, nông dân trong xã đã ứng dụng công nghệ thông minh vào trồng cam K4, giúp việc sản xuất được thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều. Công nghệ 4.0 vào sản xuất kết nối với điện thoại, máy tính. Từ đó, nông dân có thể điều khiển, kiểm soát, giám sát các thông số kỹ thuật về ánh sáng, tưới nước, sâu bệnh, tốc độ sinh trưởng..., tránh được những rủi ro do tác động của môi trường”. Tổ KNCĐ tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh được rất nhiều rủi ro về kinh tế. Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp nông dân nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường . Đó là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.
Cũng tại phiên làm việc với xã Hải Phú Anh Nguyễn Hữu Minh - Phó giám đốc HTX Phú Hưng cho biết: “Máy bay không người lái là một công cụ đắc lực cho bà con nông dân trong nông nghiệp hiện nay. Dù có còn một số hạn chế nhưng việc sử dụng nó giúp hiệu quả công việc tăng lên rất nhiều”
Đúng vậy, tổ KNCĐ đã truyên truyền vận động người dân sử dụng máy bay không người lái vì ưu điểm là: giảm thiểu độc hại từ thuốc BVTV do không tiếp xúc với thuốc; phun thuốc chính xác, đúng nồng độ, tránh làm dư thừa lượng thuốc BVTV; điều khiển từ xa nên an toàn và đỡ phải tốn công sức lao động; giảm tác hại môi trường; giảm thiểu ô nhiễm không khí hay nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và cả cộng đồng; hệ thống phun thuốc hiện đại, giúp dập dịch nhanh, dứt điểm và hiệu quả.
Tổ KNCĐ lắng nghe phản ánh của người dân một số nhược điểm máy bay không người lái như: tải trọng nhỏ, tuổi thọ pin ngắn, thời gian bay ngắn, chi phí thiết bị tương đối cao… Đồng thời tư vấn cho tổ máy bay không người lái một số giải pháp khắc phục: khiến nghị các UBND xã, các HTX xã cho tổ tạm ứng tiền để mua pin; UBND xã Hải Phú, HTX Phú Hưng, Long Hưng hỗ trợ tiền công cho người điều khiển, hỗ trợ tiền thuốc BVTV; hỗ trợ cho người điều khiển máy bay học tập nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và quy định pháp luật trong quá trình sử dụng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh liên quan đến việc thành lập tổ khuyến nông cộng đồng xã (tổ KNCĐ xã) và hướng dẫn chỉ tiêu số 13.5 của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Tổ KNCĐ đã hỗ trợ tư vấn cho các UBND xã thành lập được 34 tổ KNCĐ xã trên địa bàn huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Tổ KNCĐ xã đã đi vào hoạt động theo định hướng đề án tạo vùng nguyên liệu về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản... Nhiệm vụ của Tổ KNCĐ xã là: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững dịch vụ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y; tư vấn thành lập, phát triển HTX; tư vấn liên kết sản xuất, kết nối thị trường; tư vấn chính sách và pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn ... Đồng thời, tổ KNCĐ xã tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản..
Tổ KNCĐ lắng nghe, chia sẻ phản ánh ban ngành cấp xã một số nhược điểm của tổ KNCĐ xã như: còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong việc thành lập và tổ chức hoạt động; nhiều thành viên trong tổ KNCĐ xã có trình độ chuyên môn và bằng cấp chưa phù hợp với lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp; nghiệp vụ, năng lực hoạt động tư vấn dịch vụ, thị trường và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp chưa được trang bị; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vai trò của tổ KNCĐ xã trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới tổ KNCĐ tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm và vinh dự của mình để vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Hữu Thọ - Trạm khuyến nông Hải Lăng