Thực hiện Văn bản số 1960/UBND-KT ngày 05/5/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Trị về việc triển khai thực hiện Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025”.
Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh đến năm 2025 đạt tổng diện tích 5.000 ha, tỷ lệ gỗ lớn bình quân ở khu vực rừng gỗ lớn khi khai thác tham gia liên kết có đường kính trên 15cm đạt tỷ lệ 60%. Tổng diện tích vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn được quy hoạch của tỉnh: 13.000 ha. Trong đó, vùng Hải Lăng, Cam Lộ và Triệu Phong: 8.000 ha, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh: 5.000 ha; Ưu tiên vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC, có sự tham gia của các HTX lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng sản xuất là 11.200 ha, đã cấp chứng nhận FSC là 2.132 ha và có sự tham gia của các HTX nông lâm nghiệp bền vững.
Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp có rừng: 245.816 ha, trong đó: rừng tự nhiên là 126.732 ha; rừng trồng là 119.084 ha. Từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy tỷ lệ che phủ rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án Quốc tế, tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20.150 ha rừng trồng keo được cấp chứng nhận FSC trong đó rừng của 3 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9, Triệu Hải và Bến Hải là 17.296 ha và rừng hộ gia đình, hợp tác xã là 2.854 ha.
Với hơn 10 năm thực hiện phương thức trồng rừng có chứng nhận FSC đã tạo ra nhiều giá trị tích cực như: lợi nhuận về tài chính tăng ít nhất 5 triệu đồng/ha/năm, đóng góp cụ thể vào việc cải thiện hệ sinh thái nhờ tuân thủ các quy định của FSC về môi trường, đặc biệt đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các Doanh nghiệp như: Công ty Chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty Nguyên Phong, Công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty Scansia Pacific với giá trị gia tăng từ 15-18% so với gỗ không có chứng chỉ.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT, hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực đồng hành cùng bà con nông dân trong công tác trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu.
Việc thay đổi nhận thức của người trồng rừng từ thực hiện gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn là một quá trình lâu dài, bền bĩ, với chức năng nhiệm vụ của mình trong những năm qua khuyến nông đã chú trọng tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về giá trị và lợi ích mang lại từ việc trồng rừng gỗ lớn; hàng năm mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và chuyển tải các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng đến với người dân cho hàng trăm lượt người tham gia; đặc biệt chú trọng công tác xây dựng các mô hình trình diễn để làm địa điểm trực quan người dân đến tham quan, học tập và làm theo.
Thời gian qua Trung tâm khuyến nông đã triển khai được 25ha mô hình trồng rừng Keo lai dâm hom ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ; thực hiện trên 100ha mô hình keo lai nuôi cấy mô thực hiện gỗ lớn; mô hình keo tai tượng giống Úc 40ha, thực hiện mô hình chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn trên 100ha; hiệu quả từ thực hiện gỗ lớn đã khẳng định giá trị cao hơn gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, với giống Keo lai mô đã khắc phục hiện tượng ngã đổ do thiên tai, chất lượng rừng trồng sẻ được nâng cao đáp ứng tiêu chuẩn gỗ chất lượng cao.
Mặc dù, mô hình quản lý rừng bền vững mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế cũng như môi trường, nhưng tỷ lệ diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững còn rất thấp, chiếm 4,7% so với tiềm năng của tỉnh. Điều này, xuất phát từ những nguyên nhân như: các chủ rừng trồng thường mua giống trôi nổi trên thị trường; chu kỳ trồng rừng gỗ lớn có thời gian giữ rừng ít nhất từ 8-10 năm nên đòi hỏi người trồng rừng phải có năng lực tài chính; thiếu các dịch vụ để thúc đẩy môi trường kinh doanh cũng như hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ; diện tích rừng tham gia FSC của HTX và nông dân khá manh mún và rời rạc; với chu kỳ trồng rừng dài hơn so với các rừng gỗ dăm xung quanh; chủ rừng duy trì phương thức trồng rừng truyền thống với trồng mật độ dày (3.000 - 3.500 cây/ha) dẫn đến hiệu quả tăng trưởng gỗ rất thấp. Bên cạnh đó, số lượng các HTX có dịch vụ lâm nghiệp để hỗ trợ các hộ có diện tích rừng trồng còn hạn chế chỉ chiếm tỷ lệ 5/32 HTX hoạt động trên địa bàn có diện tích rừng hơn 11.000 ha.
Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ ngàng công nghiệp chế biến và xuất khẩu cần thực hiện tốt các nôi dung. Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý bền vững thực hiện liên kết với doanh nghiệp; Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; Thí điểm áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết.
Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ ngàng công nghiệp chế biến và xuất khẩu thành công sẽ hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiến tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở vùng Duyên hải miền trung.
Sẽ thu hút các Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ từ đó sẽ xây dựng Nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh và liên kết hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với hình thành và phát triển hệ thống Hợp tác xã lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát triển và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; Đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu; đảm bảo phân phối công bằng lợi nhuận của tất cả các bên tham gia trong chuỗi liên kết thông qua đó để tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Phan Việt Toàn - TTKN