Trước đây, việc quản lý bảo vệ, theo dõi diễn biến, hiện trạng rừng chủ yếu dựa vào bản đồ giấy, sử dụng biểu mẫu trên giấy in truyền thống, bằng các dụng cụ thô sơ như địa bàn cầm tay, thước dây, địa bàn 3 chân… nên rất khó khăn vất vả và sai số lớn, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ năng của người sử dụng cũng như mất nhiều thời gian, kết quả thiếu chính xác.
Việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý bảo vệ rừng được Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị bắt đầu triển khai từ năm 2006, đã thực hiện số hóa và quản lý bản đồ hiện trạng rừng trên máy tính bằng phần mềm Mapinfor. Tuy nhiên thời gian đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý rừng còn hạn chế, nền bản đồ gốc, các thuộc tính của dữ liệu chưa đầy đủ, cũng như chất lượng bản đồ số hóa chưa cao, các thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc như máy định vị GPS còn thiếu, mỗi đơn vị (Hạt) chỉ có 01 máy GPS và 01 máy vi tính cấu hình thấp, việc kiểm tra rừng chủ yếu sử dụng bản đồ giấy, sau đó lại phải cập nhật thủ công vào máy tính vừa chậm, vừa thiếu chính xác vừa khó khăn trong việc xác định diện tích, vị trí hiện trạng rừng thay đổi.
Cùng với việc phát triển nhanh của khoa học công nghệ, các máy móc trang thiết bị ngày càng nhiều loại và hiện đại hơn. Chi cục Kiểm lâm cũng đã tích cực trong việc ứng dụng các tiến bộ này trong việc cập nhật diễn biến rừng, xây dựng bản đồ trồng rừng, bản đồ xác nhận hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp phục vụ cho công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, phòng cháy chữa cháy rừng… được sử dụng trên cơ sở áp dụng các phần mềm Mapinfor, MapSource, Microstation, Arcview, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan cấp tỉnh đến cấp huyện, xã dễ dàng theo dõi quản lý, bảo vệ rừng.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để theo dõi diễn biến rừng, giám sát sự thay đổi hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, cập nhật tất cả các lô rừng có biến động trong từng năm vào cơ sở dữ liệu, số hóa thông tin và quản lý đồng bộ từ cơ sở đến Trung ương, rà soát điều chỉnh ba loại rừng trên địa bàn tỉnh một cách tương đối chính xác, tiệp cận với thực tế tại hiện trường, giúp cho Ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn ứng dụng khoa học công nghệ thông tin theo dõi hệ thống cảnh báo, dự báo cấp dự báo cháy rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý theo dõi về danh mục động thực vật rừng, động thực vật nguy cấp, quý hiếm, lâm sản ngoài gỗ, cơ sở nuôi trồng các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; giám sát và đánh giá Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các dự án về lâm nghiệp, xử lý các số liệu về tăng trưởng trữ lượng, sản lượng rừng và tỷ lệ lợi dụng gỗ, củi. Hầu hết cán bộ nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm đã cơ bản sử dụng được điện thoại thông minh, máy tính bảng cài đặt các phần mềm FMRS, Vtool, Mapinr, GeoPfes có nền ảnh vệ tinh… để điều tra, khảo sát thực địa, chuyển đổi và khai thác các dữ liệu bản đồ số, xác định vị trí, khoanh vẽ lô rừng, điểm, đường, xác định diện tích, khoảng cách một cách nhanh chóng và chính xác.
Có thể nói, việc ứng dụng KHCN, đã góp phần giúp cho ngành lâm nghiệp quản lý, nắm bắt được thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác phục vụ công tác quản lý rừng; Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý rừng và đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện sớm được các vụ vi phạm xâm hại rừng như: Tại xã Hướng Phùng, xã Hướng Sơn vào năm 2020, xã Đakrông năm 2022… từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý không để mở rộng thêm diện tích xâm lấn rừng.
Bên cạnh, đạt được những thành quả to lớn nhưng việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm cũng gặp một số khó khăn vướng mắc cụ thể như sau:
- Hầu hết các công cụ, phần mềm đều là hệ thống mở, yêu cầu người sử dụng cài đặt, hiệu chỉnh, chuyển đổi dữ liệu, việc sử dụng các phần mềm GIS trong lâm nghiệp đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn sâu, am hiểu về công nghệ thông tin trong lâm nghiệp, thành thạo các thao tác khi sử dụng.
- Để sử dụng, theo dõi cập nhật các phần mềm, cập nhật dữ liệu phải có công cụ sử dụng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… có cấu hình máy đáp ứng được các yêu cầu các phần mềm và phải triển khai đồng bộ từ cơ sở đến tỉnh.
- Hiện nay có nhiều ứng dụng miễn phí, nhưng chức năng hạn chế, sử dụng các ảnh vệ tinh cũ, không được cập nhật kịp thời. Để sử dụng các phần mềm chính xác, kịp thời ngoài con người, công cụ sử dụng phải có nguồn dữ liệu tốt, kịp thời, chính xác như ảnh vệ tinh Planet, Sentinal, Lansat… có độ phân giải cao (1x1m), cập nhật hàng tuần, mà để mua được ảnh chất lượng cao, cập nhật thường xuyên như nói trên cần nguồn kinh phí khá lớn; đối với ảnh chất lượng thấp hơn (9x9m) cũng phải mua cùng với các công cụ như Vtool Survey, Vtool for mapinfo…
- Diện tích rừng chủ yếu phân bố ở các vùng núi cao hiểm trở, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục lạc hậu, thường xuyên xảy ra nạn xâm canh, xâm lấn rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, trong khi đó có nơi kiểm lâm địa bàn phụ trách 5.000-7.000 ha rừng, việc tuần tra dài ngày vào những lúc thời tiết bất thường, vào vùng sâu vùng xa là rất khó khăn; vào mùa mưa ảnh vệ tinh thường bị mây che nên khó phát hiện biến động rừng.
Việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào thực tiễn quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong thời gian qua đã cho thấy tầm quan trọng và đưa lại hiệu quả tích cực, trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục thực hiện số giải pháp cụ thể như sau:
- Tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
- Tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm về GIS trong lâm nghiệp cho toàn lực lượng kiểm lâm và đội ngũ quản lý bảo vệ rừng các đơn vị nhằm nâng cao hơn trình độ cho người sử dụng.
- Đề xuất UBND, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để trang cấp các nguồn ảnh vệ tinh có chất lượng cao phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Kinh phí trang cấp bổ sung các công cụ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng cho các đơn vị còn thiếu như điện thoại, máy tính bảng, Playcam…
Văn Ngọc Thắng-Phó Chi cục trưởng - CCKL