THỰC TRẠNG CÁC MÔ HÌNH CỘNG ĐỒNG THAM GIA BẢO VỆ RỪNG TỰ NHIÊN TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ NHÂN RỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ năm - 08/09/2022 04:57
Quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa nghề rừng, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các nguồn lực vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao và thu nhập từ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
THỰC TRẠNG CÁC MÔ HÌNH CỘNG ĐỒNG THAM GIA BẢO VỆ RỪNG TỰ NHIÊN TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ NHÂN RỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI
        Đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 20.000 ha rừng tự nhiên được cộng đồng và hộ gia đình nhận để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài, ngoài ra hàng năm còn có hơn 40.000 ha rừng tự nhiên do cộng đồng và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ.
image 20220908161617 1
Lực lượng khoán bảo vệ rừng tham gia tuần tra rừng của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa
         Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh hình thành 02 loại mô hình chính về cộng đồng tham gia bảo vệ rừng đó là: Mô hình cộng đồng được nhà nước giao rừng (cộng đồng là chủ rừng) và mô hình cộng đồng bảo vệ rừng cho các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (các ban quản lý rừng là chủ rừng).
Mô hình cộng đồng tự nguyện bảo vệ rừng do nhà nước giao rừng đã phát huy hiệu quả, sự chủ động tham gia của cộng đồng ngày càng tăng; các hành vi xâm hại rừng được kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Trong số này có khoảng 35% diện tích được hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Diện tích còn lại chưa được tiếp cận khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng là một thách thức trong việc bảo vệ rừng. Trong bối cảnh hệ sinh thái môi trường rừng đang có nguy cơ mất bền vững từ sự phát triển kinh tế - xã hội, việc tìm kiếm cơ chế chi trả dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái là yêu cầu cấp thiết, trong khi Chính phủ đang trong thời gian đóng cửa rừng tự nhiên nên người nhận rừng chưa được hưởng lợi các sản phẩm từ gỗ .
          Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững, Chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng năm các Ban quản lý Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hợp đồng với người dân để bảo vệ rừng, định mức nhận khoán bảo vệ rừng từ 400.000 đồng đến 450.000 đồng/ha/năm.
         Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt nam có 02 khu rừng tự nhiên do cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa chăm sóc, bảo vệ đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC (gọi tắt là chứng chỉ FSC). Đó là rừng tự nhiên do cộng đồng người dân thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa quản lý với tổng diện tích hơn 1.560 ha. Đạt được thành quả như vậy là nhờ MCNV đã hỗ trợ thôn Chênh Vênh và thôn Hồ nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng bền vững, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Xây dựng các tổ quần chúng bảo vệ rừng cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về chứng nhận quản lý rừng bền vững, quản lý tài nguyên rừng, khai thác lâm sản bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học. Với chứng chỉ công nhận này, các cộng đồng sẽ được cấp mã số FSC FM/CoC cho những loài cây họ tre từ rừng tự nhiên như vầu, nứa và lồ ô. Sản phẩm họ tre đạt chứng chỉ FSC sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu FSC để sản xuất.
         Lợi ích trước mắt của mô hình chứng chỉ FSC cho rừng cộng đồng là các nguyên liệu hoặc sản phẩm FSC thường được bán giá cao hơn sản phẩm thông thường. Phần chênh lệch này giúp cho chủ rừng có lợi ích tài chính, từ đó khuyến khích họ tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn của dự án là giúp cộng đồng quản lý rừng tự nhiên có đủ tự tin để tham gia sâu hơn đối với các loài lâm sản khác ngoài gỗ.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả, hài hòa tài nguyên rừng, đảm bảo các mục tiêu phát triển về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; nâng cao giá trị rừng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong thời gian tới cần tập trung khoán bảo vệ hết diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý (gần 25.000 ha) với mục đích ổn định về diện tích và nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời cần có lộ trình, định hướng tiến tới giao hết cho người dân để rừng có chủ thực sự nhằm phát huy hiệu quả hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
           Đối với diện tích rừng đã giao cho cộng đồng quản lý cần phải mở rộng và nâng tầm: Hầu hết diện tích rừng tự nhiên giao cho ngưòi dân quản lý đều mang lại các giá trị hệ sinh thái như: Đa dạng sinh học, tài nguyên di truyền, hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, văn hóa tinh thần... vì vậy, trong thời gian tới cần phải kêu gọi các tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước, các chương triình dự án có cùng mục tiêu như:  Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), dự án thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng, nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (dự án PROSPER) - do Liên minh châu Âu và MCNV đồng tài trợ, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị để tiếp tục mở rộng diện tích rừng cộng đồng được cấp chứng chỉ FSC. Đặc biệt, bổ sung đánh giá FSC cho các dịch vụ hệ sinh thái rừng như: hấp thụ carbon, bảo vệ nguồn nước, du lịch sinh thái và chứng chỉ lâm sản ngoài gỗ cho các loài song mây, tre... đồng thời  hỗ trợ các chủ rừng hộ gia đình và cộng đồng tiếp cận thị trường để chào bán sản phẩm dịch vụ hệ sinh thái mà họ được chứng nhận. Trong đó, khách hàng tiềm năng được xác định là các doanh nghiệp, nhà tài trợ đang quan tâm đến việc giảm phát thải cũng như các giá trị sinh thái rừng mang lại.
Để rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý có cơ hội chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, đòi hỏi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế cần quan tâm và tiếp tục nghiên cứu để có thể nhân rộng.
                                     Lê Hữu Tùng -Phòng QLBVR-BTTN, Chi cục Kiểm Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây