Địa hình tỉnh Quảng Trị chủ yếu thấp dần từ Tây sang Đông, với 3 hệ thống sông chính: Sông Bến Hải đổ ra Cửa Tùng; Sông Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt và sông Ô Lâu chung với Thừa Thiên - Huế đổ về phá Tam Giang qua Cửa Lác .Ngoài ra còn có sông Sê Pôn và Sê Băng Hiêng đổ về sông Mê Kông qua nước bạn Lào. Với diện tích canh tác Nông nghiệp toàn tỉnh hơn 72.000 ha, trong đó hơn 25.000 ha lúa nước, còn lại là rau, màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Nhiệm vụ của công tác Thuỷ lợi đặt ra là phải đa mục tiêu, giải quyết đồng bộ, có hiệu quả trong phục vụ sản xuất Nông - Lâm - Thuỷ sản và phát triển các ngành kinh tế khác, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hồ chứa nước Đái mài - Cam Lộ ( Ảnh tư liệu )
Từ xa xưa ông cha ta đã có câu tục ngữ là “nhất nước, nhì phân, tam cần, từ giống”, do đó thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Ngày nay, công tác thuỷ lợi ngoài nhiệm vụ đảm bảo tưới, tiêu, ngăn mặn, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân sinh, còn phải chống xói lở bờ sông, bở biển, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai.
Từ những định hướng phát triển thuỷ lợi nêu trên, trong những năm qua tỉnh Quảng Trị được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, sự nổ lực tích cực kêu gọi vốn đầu tư từ trong nước và Quốc tế, cùng với sự vươn lên của Đảng bộ, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân đã nâng cấp và xây dựng mới những hệ thống các công trình thuỷ lợi nhằm phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và hạn chế các tác hại do thiên tai gây ra, đến nay đã đầu tư xây dựng hơn 500 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ các loại, bao gồm: 124 hồ chứa (trong đó có 123 hồ chứa thủy lợi và 01 hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện), 221 đập dâng, 243 trạm bơm, 17 cống ngăn mặn, 2.125km kênh mương các loại, 180,58km đê, công trình trên đê và 72ha rừng cây chắn sóng bảo vệ đê. Nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp, xây dựng chất lượng, hiện đại, điển hình như: Hồ La Ngà, Trúc Kinh, Hà Thượng, Đá Mài-Tân Kim, Sa Lung, đập ngăn mặn Sông Hiếu... Bên cạnh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tưới, phục vụ sản xuất thì đã tập trung đâu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình bảo vệ sản xuất, tiêu thoát nước như: Hệ thống đê biển Vĩnh Thái, đê cửa sông (đê tả hữu Bến Hải, Thạch Hãn..) đê bao vùng úng Hải Lăng, đê chuyên dùng..., trạm bơm Hải Hòa, trạm bơm Hải Dương, hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt Việt Yên, Vĩnh Phước, Bến Tám, đập ngăn mặn Sông Hiếu....
Các hệ thống công trình thuỷ lợi đã tưới chủ động và tưới tạo nguồn trên 85% diện tích lúa 2 vụ; tiêu úng cho 7.500 ha và ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm cho hơn 13.000 ha. Nhờ tưới tiêu chủ động đã đưa 100% giống lúa mới vào sản xuất góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, trong đó có khoảng 1.000ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ và trên 38.000 ha lúa chất lượng cao.
Các công trình trình thuỷ lợi được quan tâm tu bổ thường xuyên, nâng cấp, chương trình bê tông hoá kênh mương được triển khai tích cực. Việc ổn định năng lực tưới tiêu đã tạo điều kiện đưa giống lúa mới có phẩm chất và năng suất cao xuống đồng ruộng.
Nhờ có công trình thuỷ lợi, chủ động được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác và chuyển đổi phương thức canh tác từ cấy sang gieo thẳng, tiết kiệm nhân công đồng thời giải phóng sự lao động nặng nhọc cho nông dân, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công trình thuỷ lợi cùng với sự phát triển và nâng cao độ che phủ của rừng góp phần cải tạo cải tạo khí hậu, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Trong những năm qua công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển thuỷ lợi, đã có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và hiệu quả công trình.
Từ thực tiễn trong công tác quản lý khai thác, đầu tư và xây dựng các công
trình Thuỷ lợi, trên quan điểm xây dựng công trình thuỷ lợi hạn chế tối đa ảnh hưởng rừng, cây công nghiệp dài ngày ở vùng thượng lưu công trình, tạo điều kiện mở rộng diện tích, cơ cấu cây trồng vật nuôi và phát triển thuỷ sản hợp lý.
Ngành đã đầu tư nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch đề xuất xây dựng công trình Thuỷ lợi Sa Lung (thay thế cho xây dựng hồ Mè Tré), vận hành liên công trình thủy lợi để điều tiết bổ sung nguồn nước cho hệ thống La Ngà, Bảo Đài (huyện Vĩnh Linh) đảm bảo tưới ổn định cho 1.800 ha lúa 2 vụ mà trước đây thường thiếu nước cuối vụ Đông Xuân và hạn nặng vụ Hè Thu và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản.
Công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, hàng năm thường thiếu nước cuối vụ Hè Thu, có nhứng năm đã xảy ra hạn nặng. Để bổ sung nguồn nước cho hệ thống, nếu xây dựng đập bê tông sẽ làm ngập sâu vùng thượng lưu trong mùa lũ chính vụ, nếu sử dụng công nghệ cửa lật sẽ rất khó vận hành trong mùa lũ, do đó ngành đã mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới lúc bấy giờ, thi công đập cao su có chiều dài 135m, cao 2m, công trình lớn nhất Việt Nam nhằm tăng thêm dung tích nước ở thượng lưu đập hơn 10 triệu m3, tăng khả năng tưới chủ động hơn 700 ha, đồng thời không gây ngập lụt cho vùng thượng nguồn trong mùa lũ chính vụ.
Cống đập An Tiêm ( ATL)
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc xây dựng một số công trình chất lượng cao, như: Cống An Tiêm, với nhiệm vụ chuyển nước tưới trên kênh N1, ngăn mặn trong mùa khô, phân lũ trong mùa lũ chính vụ, đưa một lượng phù sa đáng kể cho vùng hạ du. Công trình ra đời sau hơn 20 năm kể từ khi công trình Nam Thạch Hãn đưa vào sử dụng.
Công trình Cống đập Việt Yên, với nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt tạo nguồn nước tưới cho hơn 1000 ha vùng cuối kênh N1 và N3 Nam Thạch Hãn. Là công trình đạt chất lượng cao về kỹ thuật và mỹ thuật
Đề tài sản xuất thử, thử nghiệm cải tạo môi sinh vùng cát ven biển Quảng Trị đã cải tạo được hơn 5.000 ha đất cát di dộng, đưa 2.000 ha đất cát được cải tạo vào sản xuất nông nghiệp ổn định, tạo ra được hơn 500 ha rừng phòng hộ, chọn được tập đoàn giống cây lương thực, thực phẩm có giá trị kinh tế cao và tạo điều kiện dãn dân, xây dựng làng sinh thái trên vùng cát.
Kết quả đề tài có giá trị khoa học cao, được các huyện có vùng cát ứng dụng thành công và có hiệu quả, như ở huyện Triệu Phong đã xây dựng được 11 làng sinh thái với 723 hộ dân, trồng được 2.500 ha rừng và tổ chức sản xuất tốt mô hình Nông Lâm kết hợp trên vùng cát.
Đập ngăn mặn Sông Hiếu có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước sản xuất cho 1.300 ha nông nghiệp và 200ha nuôi trồng thuỷ sản. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 25.000 người. Kết nối giao thông bộ hai bờ sông Hiếu và tạo cảnh quan môi trường đô thị và phát triển du lịch.
Đập ngăn mặn sông Hiếu ( Ảnh tư liệu )
Công tác thuỷ lợi không những phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn mà công trình thuỷ lợi phục vụ đa mục tiêu, phát triển các ngành kinh tế khác. Đồng thời góp phần quan trọng trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Cải tạo môi sinh, môi trường, vùng cát, chống nạn các bay, cát lấp, biến vùng cát thành vùng đất sản xuất Nông - Lâm - Ngư kết hợp. Quảng Trị từ một vùng đồng khô, cỏ cháy, úng lụt liên miên đã trở thành những cánh đồng lúa xanh bát ngát và các ngành kinh tế khác phát triển đi lên từ những công trình thuỷ lợi.
Sự nghiệp phát triển Thuỷ lợi trong những năm qua, có thể khẳng định rằng đã đi đúng hướng, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất ổn định đời sống nhân dân, đã tạo được động lực tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế Nông nghiệp của Tỉnh, tăng thêm niềm phấn khởi tin tưởng vào công cuộc đổi mới và xoá đói giảm nghèo của Đảng và Chính phủ, góp phần tích cực có tính quyết định đảm bảo thực hiện và vượt kế hoạch, đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2025./.
Nguyễn Đăng Trình- Chi Cục Thủy lợi