Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, Nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước. Để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải áp dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0. Đồng thời, triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp như: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống một cửa điện tử; đồng bộ, công khai 241 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cung cấp trên hệ thống một cửa hải quan.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm không mới, chuyển từ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ sang sản xuất dựa trên dữ liệu và dự báo về điều kiện tự nhiên, nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường tiêu thụ. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo ra giá trị phát triển cho nông sản, tiết kiệm chi phí và sức khỏe cho người nông dân. Đồng thời, Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ mới để giải quyết tình trạng ùn ứ sản phẩm nông sản của người nông dân khi vào cao điểm thu hoạch sản phẩm nông sản, giúp người nông dân giữ giá sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá.
* Một số giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay
1. Áp dụng các công nghệ hiện đại trong canh tác nông nghiệp
- IoT và cảm biến trên cánh đồng
IoT đang được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả để phục vụ các hoạt động theo dõi thông tin, hình ảnh về cây trồng, vật nuôi. Tại Việt Nam, tuy rằng IoT chưa được áp dụng nhiều nhưng đây sẽ là xu hướng mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại. Các cảm biến được cài đặt có tính toán, xung quanh các cánh đồng cùng với công nghệ nhận dạng hình ảnh cho phép nông dân xem cây trồng của họ từ mọi nơi trên thế giới. Hệ thống cũng kết nối với các thiết bị được lắp đặt tại cánh động để tự động tưới nước, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng theo sự điều khiển của con người. Các cảm biến này gửi cho nông dân thông tin cập nhật theo thời gian thực, do đó có thể thực hiện các thay đổi phù hợp với cây trồng của họ.
- Học máy và phân tích
Học máy có thể dự báo đặc điểm và gen nào tốt nhất cho thực tế sản xuất tuỳ theo khí hậu của địa phương đó. Các thuật toán còn cho biết sản phẩm nào sẽ được mua nhiều nhất và sản phẩm nào đang ế ẩm trên thị trường. Điều đó giúp nhà nông chọn lựa sản phẩm canh tác trong hiện tại và tương lai.
- Canh tác và robotics
Robot và trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp sẽ cải thiện năng suất và đem lại sản lượng cao và nhanh hơn.Những robot như robot xịt thuốc và làm cỏ được đầu tư, có thể giảm việc sử dụng hóa chất đến 90% nhờ công nghệ chính xác.
Một số công ty đang thử nghiệm hướng dẫn robot bằng laser và camera để thiết bị này nhận dạng và nhổ cỏ mà không cần sự can thiệp của con người. Các công ty khác đang tạo ra robot trồng cây để tăng thêm hiệu quả so với các phương pháp canh tác truyền thống. Sau cùng, robot được thử nghiệm dùng để thu hoạch trái cây và hạt.
Máy bay không người lái (MBKNL) giám sát cây trồng
Máy bay không người lái được sử dụng nhiều trong canh tác nông nghiệp ở các nước châu Mỹ và châu Âu. Loại thiết bị công nghệ này thường được sử dụng vào mục đích giáo sát cây trồng, đồng thời cũng có khả năng sản xuất ra hình ảnh 3 chiều để dự báo chất lượng đất, phân tích và mô hình hóa cây trồng. Mặt khác, MBKNL cũng thường dùng trong việc phun thuốc từ trên cao, với hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần các thiết bị khác.
2. Liên kết theo chuỗi giá trị
Các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp thời chuyển đổi số nêu trên gắn kết một cách tự nhiên với nhau theo chuỗi giá trị với trung tâm phát triển giải pháp công nghệ (hay doanh nghiệp sản xuất tri thức) ở vị trí trung tâm, tất cả các thành phần khác tương tác với nhau và cùng thụ hưởng lợi ích mà trung tâm phát triển giải pháp tạo ra.
3. Thay đổi phương thức quản trị
Việc số hóa toàn bộ quy trình, từ sản xuất và thu hoạch đến nhập kho và phân phối, đang tăng cường thông tin liên lạc giữa các bên liên quan khác nhau trong hệ thống nông nghiệp. Việc số hóa cũng đã nâng cao khả năng hiển thị dọc theo chuỗi cung ứng cho các tác nhân khác nhau, giúp quy trình trở nên minh bạch hơn và hiệu quả cao hơn.
Công tác hành chính – nhân sự sẽ được tối ưu hóa, tiết kiệm chi phí với các phần mềm quản trị doanh nghiệp. Công tác tài chính kế toán giờ đây cũng trở nên đơn giản giúp CEO, nhà quản lý nắm được thông tin tài chính (chi phí, doanh số, lợi nhuận) và các thông tin về tài sản, kho,… mọi lúc mọi nơi. Tính linh hoạt giúp kế toán viên làm việc từ xa và liên thông dữ liệu với hệ thống CRM, quản lý bán hàng tại các cửa hàng, chi nhánh, kết nối hóa đơn điện tử, kê khai thuế qua mạng.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này./.
Nguyễn Thị Thu Hiền - TTKN