PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG

Thứ năm - 12/01/2023 04:26
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã và đang không ngừng chuyển biến tích cực, vươn mình mạnh mẽ để ngày càng phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức như: quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý; hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn ít; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả; chất lượng và giá trị gia tăng còn thấp; quan hệ quốc tế còn hạn chế; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn chưa được chú trọng, vẫn còn tình trạng khai thác tận diệt… Đặc biệt là vẫn còn tình trạng ngư dân đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.
PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG
         Với mục tiêu phát triển ngành thủy sản, chuyển dần từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động. Trước mắt, cần phải có sự đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới để người dân yên tâm sản xuất. Có định hướng phát triển thủy sản rõ ràng theo điều kiện của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Thực hiện nghiêm việc cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá, giới hạn kích cỡ, mùa vụ tránh tình trạng đánh bắt bừa bãi.
image 20230112002556 1
Hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản
         Tổ chức đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật cho ngư dân. Hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị, bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; xử lý nghiêm tình trạng đánh bắt tận diệt bằng giã cào, xung điện, chất nổ… Tập trung phát triển nuôi biển nhằm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch lao động từ đánh bắt sang nuôi trồng, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
        Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, sau 5 năm bị Liên minh châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, tình hình chống  khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có những chuyển biên tích cực. Đến nay đã hình thành được khung pháp lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Cả nước đã thực hiện đánh dấu tàu cá theo quy định được 88.545/91.716 chiếc, đạt 96,5%. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 95,27%. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, thông báo cho chủ tàu cá về việc tàu mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển, yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật. Thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định trước khi xuất bến, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng. Giảm đáng kể tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Tại Quảng Trị, đến nay đã hoàn thành việc đánh dấu tàu cá đối với khối tàu trên 24m; đối với khối tàu từ 15 - 24 m đã đánh dấu được 163/170 chiếc, đạt 95,8%; khối tàu 12 - 15 m được 95/100 chiếc, đạt 95%; khối tàu dưới 12m 240/269 chiếc, đạt 89,2%. Toàn tỉnh đã có 178/188 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt 94,6%. Không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
            Tuy nhiên, để có thể tháo gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian tới, tránh tình trạng có thể bị áp dụng “thẻ đỏ”, cần phải xác định việc thực hiện chống khai thác IUU là vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, nâng cao hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Do vậy, cần có giải pháp tuyên truyền, vận động người dân để khơi dậy tính tự hào, đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc quản lý tàu cá, xử lý tàu cá vi phạm. Có các biện pháp xử lý hành chính phù hợp, đảm bảo tính răn đe đối với những tàu cá vi phạm khai thác IUU, cần thiết có thể xử lý vi phạm hình sự. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS; xây dựng phương án khoanh nợ, giãn nợ, chuyển đổi sinh kế, nghề nghiệp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân…
Thiện Nhân – BQL Cảng Cá

 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây