HƯỚNG DẪN CẤP, QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT

Thứ năm - 12/01/2023 04:20
Để công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng nội địa lĩnh vực trồng trọt đúng quy định; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị hướng dẫn quy trình cấp mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh với một số nội dung chính sau:
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
        Vùng trồng được hiểu là một vùng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng; Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
         Các yêu cầu của vùng trồng như sau: Quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 01 ha; Cây hằng năm là 0,1 ha. Vùng trồng phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; có đầy đủ thông tin theo mẫu số 01 Phụ lục 1 của Hướng dẫn này và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (Phụ lục 2 của Hướng dẫn), đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn (quy trình) áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.
         Mã số vùng trồng có kết cấu như sau: VN-Mã tỉnh/Tp.-Quận/huyện-Phường/xã-cơ sở sản xuất-Năm cấp (trong đó, Mã tỉnh/Tp., quận/huyện, phường/xã sử dụng mã số các đơn vị hành chính theo quy định của Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và các văn bản cập nhật, bổ sung mã số của các đơn vị hành chính mới. Tỉnh/Tp, quận/huyện, phường/xã xác định theo địa chỉ vùng trồng của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số. Mã cơ sở sản xuất: Do các tỉnh/thành phố quy định thống nhất theo số thứ tự từ 01 đến hết. Năm cấp: Lấy hai số cuối của năm cấp mã số vùng trồng: Ví dụ: VN-45-464-14384-01-22 là mã số vùng trồng cây A tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, trong đó: VN(Việt Nam)-45 (Quảng Trị)-464 (Vĩnh Linh)-14384 (Kim Thạch)-01(số cơ sở cấp)-22 (năm cấp 2022).
           Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị là cơ quan thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng (Theo công văn số 2372/SNN-KHTC ngày 17/10/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị).
Các bước cấp/cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ mã số vùng trồng: Tổ chức/cá nhân (gọi tắt là cơ sở) đăng ký tạiWebsite Cơ sở dữ liệu ngành Trồng trọt, mục Đăng ký mã số vùng trồng (Plant number of code) theo đường dẫn: https://csdltrongtrot.mard.gov.vn/#/pages/register-crop-region-code; điền đầy đủ các thông tin có trong trang web và lưu lại. Cơ quan cấp mã số vùng trồng thực hiện kiểm tra mức độ đáp ứng theo yêu cầu đối với các thông tin đã cung cấp trên trang web.
         Không thực hiện kiểm tra thực tế đối với các trường hợp vùng trồng đã được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 hoặc được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt như: VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, GlobalGAP, ASIAGAP, ASEANGAP..., tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững và đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng tại Hướng dẫn này.
          Thực hiện kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký với các trường hợp còn lại: lập biên bản theo mẫu trong đó nội dung biên bản cần ghi rõ vùng trồng đã đáp ứng các yêu cầu chưa, trường hợp chưa đáp ứng cần nêu rõ tiêu chí chưa đáp ứng và đề nghị cơ sở khắc phục, trường hợp cần thiết có thể tiến hành kiểm tra thực địa đối với hành động khắc phục của cơ sở. Có thể thực hiện việc cấp mã số vùng trồng trước và thực hiện hậu kiểm, thời gian hậu kiểm đối với trường hợp này không quá 6 tháng kể từ ngày cấp.
Về Cấp mã số vùng trồng: Vùng trồng đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng tại Hướng dẫn này sẽ được cấp mã số theo quy định.
            Đình chỉ sử dụng mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau: Không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Phụ lục 2 và cập nhật thường xuyên các thông tin theo quy định; Không đáp ứng yêu cầu tại thời điểm giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất; kết quả giám sát có một trong số các thông tin không đúng theo thông tin đã cung cấp; Mã số vùng trồng sẽ được phục hồi khi cơ sở sản xuất có biện pháp khắc phục và được Cơ quan cấp mã số vùng trồng chấp nhận biện pháp khắc phục đó.
          Hủy mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau: Theo đề nghị của cơ sở về việc không sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp; Cơ sở không có biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các trường hợp bị đình chỉ sử dụng mã số nêu trên trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị đình chỉ; Vùng trồng đã được cấp mã số chuyển đổi loại cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu hoặc khi hậu kiểm không đáp ứng các yêu cầu theo quy định đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký khi cấp mã số vùng trồng (Các bước cấp/cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ mã số vùng trồng); Sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các sản phẩm không thuộc đối tượng cây trồng đăng ký, không được sản xuất tại vùng trồng đăng ký.
Võ Xuân Thành
Chi cục Trồng trọt và BVTV



Phụ lục 1
Mẫu số 01
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
     Địa danh, ngày … tháng …… năm ……

GIẤY ĐĂNG KÝ CẤP/CẤP LẠI MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Kính gửi: (Cơ quan cấp mã số vùng trồng tỉnh/Tp.)
1. Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số:.......................................
Người đại diện:................................................................................
Địa chỉ của tổ chức/cá nhân:.............................................................
Địa chỉ vùng trồng[1]: .......................................................................
Mã số doanh nghiệp/số căn cước công dân[2]:....................................
Điện thoại: .......................................................Email: ....................
2. Tổng diện tích của cơ sở (ha): .....................................................
3. Diện tích canh tác (ha): ................................................................
4. Lý do (đối với trường hợp cấp lại)[3]:……………………………...
5. Thông tin về vùng trồng
TT Vị trí, tọa độ các điểm sản xuất[4] Đối tượng
cây trồng[5]
Diện tích (ha)
 
Sản lượng
dự kiến
(tấn)
 
Hình thức
canh tác[6]
 
Tiêu
chuẩn áp
dụng[7]
 
Thị trường
dự kiến tiêu thụ
 
1              
2              
               
6. Tài liệu kèm theo
- Sơ đồ vùng trồng;
- Danh sách các hộ nông dân (đối với trường hợp vùng trồng có nhiều hộ), bao gồm các thông tin: đối tượng cây trồng, diện tích, sản lượng dự kiến đối với từng hộ;
- Bản sao giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn đã áp dụng hoặc giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện đảm bảo ATTP/bản cam kết đảm bảo ATTP trong sản xuất hoặc Quy trình sản xuất của các doanh nghiệp liên kết sản xuất đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Đề nghị …………………………….… (tên cơ quan cấp mã số vùng trồng
tỉnh/Tp.) …….. cấp mã số vùng trồng cho cơ sở.
Tôi xin cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các quy định về cấp mã số vùng trồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin đã kê khai ở trên./.
CHỦ CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu nếu có)
 

[1] Ghi cụ thể đến ấp, thôn, xã, huyện của vùng trồng.
 
 
 
 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây