Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng cần được chú trọng. Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh có: 20.761 con trâu, 56.843 con bò, 177.091 con lợn, 26.895 con dê, 3.590.200 con gia cầm. Khối lượng chất thải rắn từ chăn nuôi thải ra môi trường ước tính 2.483.867 tấn/năm. Trong khi đó, tình trạng chăn nuôi lợn để chất thải chưa được xử lý ra môi trường còn khá phổ biến, nhất là đối với các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở nông thôn. Đây là mối nguy làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng, đồng thời làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Vì vậy, chăn nuôi phát triển có thể cũng sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của người dân nông thôn, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái.
Để khắc phục thực trạng này, cần có những biện pháp đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ cho vấn đề xử lý nguồn thải này. Nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi như: Hệ thống khí sinh học (Biogas, HDBE); sử dụng men sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân hữu cơ, ao sinh học…Trong đó, quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp từng vùng sinh thái, số lượng phù hợp để không quá tải gây ô nhiễm môi trường là biện pháp quan trọng có tầm chiến lược. Chính quyền và các cơ quan ban ngành phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện tốt quy định về chăn nuôi (không nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, phải được đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng chuồng trại, thực hiện tốt quy định đủ điều kiện chăn nuôi, chấp hành Luật Chăn nuôi, Luật Thú y).
|
|
Đệm lót sinh học |
Hầm KSH phủ bằng nhựa HDPE |
(nguồn: cucchannuoi.gov.vn) |
Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đề cao vai trò của cộng đồng trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định về chăn nuôi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu, phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.
Dương Ngọc Linh-Chi cục Chăn nuôi và Thú y