ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG TÁI CANH CÂY CÀ PHÊ Ở QUẢNG TRỊ

Thứ năm - 27/05/2021 03:56
Cà phê là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, cà phê Quảng Trị có chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, là nguồn thu nhập chính của hơn 8.000 hộ gia đình (50% là đồng bào dân tộc thiểu số) trồng cà phê trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 4.666 ha cà phê, trong đó có 4.253,2 ha cho sản phẩm, sản lượng ước đạt 4.584 tấn. Diện tích sản xuất có liên kết đạt hơn 1.000 ha, diện tích sản xuất theo quy trình an toàn (tiêu chuẩn 4C, hữu cơ sinh thái…) đạt hơn 500 ha.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
        Việc liên kết với nhiều Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê đã cho ra thị trường sản phẩm cà phê chất lượng cao như Công ty TNHH XNK Nam Hải CNS; Hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông-lâm nghiệp Ta Lư; Hộ kinh doanh Hoàng Thị Diệu Khánh; Công ty TNHH Pun Coffee; Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh, HTX dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây; một số đã có đơn hàng xuất khẩu ra thị trường Châu Âu như Công ty TNHH XNK Nam Hải CNS; liên kết cung ứng nguyên liệu chế biến với một số thương hiệu cà phê nổi tiếng như SHIN Coffee, Hội an Roastery,… góp phần nâng cao chất lượng và từng bước xây dựng lại thương hiệu Cà phê Khe Sanh của tỉnh. Tuy nhiên, với hơn 53% diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa và nhiễm sâu bệnh nặng (hơn 2.400 ha trồng trước năm 2000) thì việc tái canh để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng Ngành hàng cà phê của tỉnh là việc làm cần thiết. Thực hiện Quyết định số 837/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về phê duyệt Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tính đến năm 2025. 
          Để thực hiện Đề án tái canh, Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành một số chính sách thúc đẩy Chương trình tái canh trên địa bàn tỉnh như Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND về khuyến khích phát triển“Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” trong đó có chính sách phát triển cây cà phê.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 418/QĐ--SNN ngày 13/10/2017 về kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, có tính đến 2025; Ban hành quy trình kỹ thuật tái canh cà phê chè trên địa bàn để làm cơ sở tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng. 
Để chủ động nguồn giống cà phê chè chất lượng phục vụ công tác tái canh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá, lựa chọn và chứng nhận 02 vườn cây đầu dòng sản xuất hạt giống trên địa bàn huyện Hướng Hóa, đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất tái canh hàng năm. Ngoài ra, đã chỉ đạo Chi cục TT-BVTV, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành xây dựng các mô hình khảo nghiệm các giống cà phê chè mới, có chất lượng, để thay thế dần giống cà phê chè Catimor trên địa bàn, làm cở sở tái cơ cấu sản xuất ngành hàng cà phê theo hướng bền vững và nâng cao năng suất chất lượng cà phê nhân trên địa bàn.
         Để công tác quản lý các vườn ươm giống cà phê trên địa bàn theo đúng quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định về Tiêu chuẩn vườn ươm sản xuất giống và cây giống cà phê chè xuất vườn áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Định kỳ hàng năm, trước khi thu hoạch nguồn vật liệu nhân giống (hạt giống cà phê), tiến hành kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của 02 vườn cà phê đầu dòng, làm cơ sở cho chủ vườn thu hoạch hạt giống phục vụ tái canh. Kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa kiểm tra chất lượng vườn cây trước khi xuất vườn, do đó giống cà phê đưa vào tái canh đảm bảo chất lượng theo quy định. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các tổ chức, dự án trên địa bàn triển khai một số Đề tài, Dự án về thử nghiệm, chọn tạo bộ giống mới, chất lượng cao  kết quả đã tuyển chọn được có 2 giống cà phê chè: THA1 và TN9 đáp ứng điều kiện sản xuất trên địa bàn và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống chính thức, làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất trên địa bàn tỉnh.
          Trước đó năm 2012 Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện đề tài:“Đánh giá các vườn cà phê và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để cải tạo vườn cà phê già cỗi trên địa bàn huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị". Kết quả đề tài đã đưa ra được các quy trình kỹ thuật cải tạo trẻ hóa vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp “ đốn đau" và “đốn phớt" và là cơ sở để hướng dẫn chuyển giao cho người dân áp dụng thực hiện cho việc phục hồi, phát triển các vườn cà phê của họ có hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Bằng chứng là đến nay đã có hơn 800 hộ nông dân đã tổ chức nhân rộng phương thức canh tác này cho hơn 1.000 ha cà phê già cỗi của gia đình mình.
           Tiếp đến từ năm 2015 - 2017, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Viện MêKông thực hiện mô hình sử dụng phân bón NPK Bình Điền cho cây cà phê với diện tích 1 ha và mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt với quy mô 1 ha. Kết quả các mô hình cây cà phê phát triển rất ổn định, năng suất tăng đều qua các năm. Đặc biệt, giai đoạn này có năm gặp hạn nặng, nhiều vườn cà phê của nông dân bị khô, hạn dẫn đến một số diện tích bị chết, nhưng đối với mô hình có đầu tư hệ thống tưới kịp thời nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định. Qua đó đã khẳng định tính ưu việt của việc áp dụng công nghệ tưới cho cây cà phê vào các giai đoạn xung yếu nhất và mang lại hiệu quả thiết thực nhất. 
           Để đánh giá chính xác về năng suất và chất lượng cà phê tái canh cần thêm thời gian để vườn cà phê tái canh ổn định phát triển và cho năng suất. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và đánh giá ban đầu, hầu hết các vườn cà phê tái canh sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều vườn đã bắt đầu cho thu hoạch. Đối với những vườn tái canh bằng phương pháp trồng mới từ năm 2017-2019, năng suất đạt 15 tấn quả tươi/ha, đạt mục tiêu Đề án đưa ra, cao hơn các vườn cà phê già cỗi từ 1,2-1,5 lần (so với vườn cà phê 10-15 năm tuổi); Đối với những vườn tái canh bằng phương pháp đốn đau, năng suất đạt 18-20 tấn/ha, đạt 120% so với mục tiêu Đề án.
Mặc dù, năng suất và sản lượng cà phê trên địa bàn giảm nhưng việc tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho cà phê Khe Sanh đã có bước phát triển mạnh mẽ, không những vậy đã chuyển biến được thị trường tiêu dùng cà phê trong tỉnh theo hướng sử dụng cà phê Arabica rang xay nguyên chất hoặc cà phê có thương hiệu. Trên địa bàn hiện có hơn 1.000 ha sản xuất có liên kết, chứng nhận, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, thị trấn Khe Sanh… (khoảng 500 ha đang triển khai chứng nhận 4C, gần 20 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ, sinh thái…). Vì vậy, có nhiều HTX sản xuất chế biến cà phê đã lựa chọn hướng phát triển dòng cà phê sạch chất lượng cao để theo đuổi như: HTX dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, HTX Công Bằng Sa Mù… Nhiều Doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu cà phê Khe Sanh trực tiếp qua Mỹ và Châu Âu như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Hải CNS, Công ty TNHH Pun Coffee… Đó là những bước chuyển biến hết sức quan trọng để xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh cũng như nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng này trong thời gian tới.
Trần Cẩn - Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây