TRIỂN VỌNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI DÊ THẢ ĐỒI

Chủ nhật - 20/12/2020 21:18
Đến thăm trang trại nuôi dê của anh Bùi Văn Tiến một nông dân cần cù chịu khó làm ăn ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Ấn tượng đầu tiên là đàn dê hơn 70 con với khu chuồng rộng có hàng rào quy mô nằm tách biệt giữa rừng cao su gần 4ha.
TRIỂN VỌNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI DÊ THẢ ĐỒI
         Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình anh Tiến cho biết, anh là người quê ở Nam Định vào Quảng Trị làm kinh tế lấy vợ rồi lập nghiệp ở đây luôn. Trước đây vợ chồng anh sống chủ yếu nhờ vào cây cao su. Những năm gần đây giá mủ cây cao su bấp bênh nên cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo cùng với đức tính siêng năng, chịu khó, đầu năm 2018, anh đã quyết định chọn con dê làm đối tượng nuôi để tăng thu nhập cải thiện kinh tế. Lúc đầu anh chỉ nuôi thử 8 con dê sinh sản sau hai năm dần tích lũy vốn, đàn dê cứ thế tăng lên hơn 40 con. Từ những lứa dê đầu tiên cho thấy mô hình nuôi dê vốn đầu tư ít lại quay vòng thu vốn nhanh, việc nuôi dê không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc mà mang lại hiệu quả kinh tế cao.              Mới đây anh mua thêm một đàn mới, hiện đàn dê của anh là 73 con trong đó hơn 30 con dê cái sinh sản. Hiện anh Tiến đã xây dựng được 2 khu chuồng nuôi rộng 200m2, chuồng có sân chơi đươc rào bằng lưới thép B40. Thiết kế các dãy chuồng sàn gần nhau, phía dưới sàn được betong để tiện cho việc quét dọn giữ chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế được dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bên trong các dãy chuồng sàn là các vách ngăn không cố định để tiết kiệm diện tích hoặc linh động ngăn chia các ô chuồng khi cần thiết như dê cái đang có chữa hoặc dê mẹ đến kỳ sinh sản, dê đực đến tuổi xuất bán cần vỗ béo…v..v
       Theo anh Tiến, nuôi dê cũng giống như nuôi bò phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng các loại bệnh như trâu bò. Thức ăn thì anh tận dụng đồng cỏ tự nhiên có sẵn trong rừng. Buổi sáng đi thả và buổi chiều dẫn về. Tuy nhiên dê là loại động vật có nguồn thức ăn phong phú hơn nên cũng dễ dàng kiếm thức ăn cho dê trong những ngày mưa gió, bận rộn không chăn thả được. Tối về anh cho uống nước, bổ sung thêm các loại lá như mít, sầu đâu, thân cây chuối trộn cám cho đàn dê tùy vào các đối tượng dê trong đàn như dê mẹ có chữa, dê nuôi con bú, dê thịt vỗ béo sắp xuất chuồng…
Cho dê ăn bổ sung thêm lá Mít khi không chăn thả ảnh Minh Thắng
Cho dê ăn bổ sung thêm lá Mít khi không chăn thả - ảnh Minh Thắng
Khi dê đực được khoảng 5 tháng, anh bắt đầu vỗ béo thêm rồi bán, còn dê cái anh giữ lại nuôi rồi chọn lựạ ra con cái có ngoại hình đẹp để tăn đàn hoặc thay thế những con đẻ kém hoặc già tuổi. Dê xuất chuồng 6 -7 tháng có trọng lượng từ 25 - 30kg/con. Bắt đầu từ tháng thứ 7 trở đi là Dê cái được cho phối giống. Dê có chữa 5 tháng. Lứa đầu thường đẻ 1con, từ lứa thứ 2 trở đi thì đẻ 2 - 3,4 con. Trung bình một năm dê mẹ đẻ 2 lứa, cho nên hàng năm anh xuất bán trên 50 con dê thịt còn lại anh để lại nuôi giống hoặc bán dê giống. Giá dê thương phẩm từ 120.000 - 140.000 đồng/kg dao động tùy theo thị trường. Nhờ đó, mỗi năm anh thu nhập khoảng hơn 150 trịêu đồng. Hiện tại đàn dê của anh chủ yếu là dê cỏ nên trong thời gian tới anh dự định sẽ mở rộng quy mô và cải tạo đàn, phát triển mô hình nuôi theo hình thức bán chăn thả để đáp ứng nhu cầu thị trường.
       Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc đàn dê, anh Tiến cho biết trong quá trình nuôi anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi và cách điều trị phòng bệnh cho dê. Một dê đực có thể phối giống được 25 con dê cái, nên hàng năm anh chỉ chọn lựa một con dê đực làm đực phối giống chuẩn và thường xuyên thay đổi dê đực để tránh gây ra hiện tượng cận huyết làm giảm chất lượng của đàn. Nhờ thế hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt. Điều đáng khen ở anh không chỉ ở sự cần cù, chăm chỉ nỗ lực của bản thân, thành công với mô hình này, mà còn tính nhiệt tình sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm với những người có nhu cầu tìm hiểu.
        Nhận thấy mô hình Nuôi dê thả đồi là hướng đi mới rất triển vọng trong khai thác tiềm năng vùng gò đồi của Cam Lộ, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Tuy nhiên hiện nay, người dân vẫn còn nuôi theo tính tự phát, việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư con giống nên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, Trưởng Phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ ông Phạm Viết Thanh cho biết. “Sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi dê tại các xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi thêm vào đó sẽ có các chính sách cụ thể giúp người dân cải tạo chất lượng đàn dê thông qua các chương trình hỗ trợ cải tạo đàn dê cỏ thành đàn dê lai có phẩm chất và năng suất tốt hơn để giúp người dân nâng cao thu nhập”
Tạ Thị Kiều Châu - Trạm Khuyến nông Cam Lộ

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây