HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG KHOAI LANG RUỘT VÀNG TRÊN VÙNG ĐẤT CÁT VEN BIỂN

Thứ năm - 27/05/2021 04:33
“Năng suất cao, ít sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng, giá bán cao…”, đó là nhận xét của các hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng khoai lang ruột vàng KL 20-209 do Trạm Khuyến nông (KN) huyện Triệu Phong triển khai.
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH TRỒNG KHOAI LANG RUỘT VÀNG TRÊN VÙNG ĐẤT CÁT VEN BIỂN
         Bắt đầu trồng từ tháng 1/2021, đến nay, các hộ tham gia thực hiện mô hình trồng khoai lang ruột vàng KL 20-209 đang tất bật vào vụ thu hoạch. Trao đổi với chúng tôi khi vẫn đang liên tục đào những luống khoai lang ruột vàng để kịp giao cho thương lái, bà Trần Thị Hạnh ở tại thôn 8, xã Triệu Vân hồ hởi cho biết, gia đình tôi tham gia thực hiện mô hình với diện tích 2 sào. Ngoài hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… của Trạm KN thì gia đình đã thực hiện đúng theo quy trình đã được hướng dẫn; đặc biệt là đã bón hơn 5 tạ phân chuồng để bổ sung độ mùn cho đất. Qua theo dõi cho thấy, giống khoai lang KL 20-209 này rất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương. Mặc dù trồng trên đất cát bạc màu, ảnh hưởng bởi sương muối, gió biển nhưng vẫn phát triển tốt, năng suất thu hoạch đạt trên 8 tạ/sào. Với giá bán bình quân từ 8.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí tôi thu về được hơn 3 triệu đồng/sào. “Những năm trước trên diện tích này tôi chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất rất thấp, chỉ được hơn 2 tạ/sào, có khi còn mất trắng do nước biển dâng cao làm đất nhiễm mặn, cây lúa bị chết rụi. Giờ đây cũng với diện tích đó tôi thu về 7 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài ra còn tận dụng được phần thân dây để phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt, giống khoai lang mới này cho củ to, ruột vàng, khoai ngọt nên rất được thị trường ưa chuộng. Cứ thu hoạch đến đâu là được thương lái thu mua đến đó, không phải lo về vấn đề tiêu thụ”, bà  Hạnh cho biết thêm.
Mô hình sản xuất khoai lang ruột vàng KL 20 209 vụ ĐX 2020 2021 2
Hiệu quả từ mô hình Khoai lang ruột vàng trên đất cát ven biển Triệu Vân
        Tương tự, tại thôn 9, xã Triệu Vân, mời chúng tôi nếm thử những củ khoai vàng ươm vừa luộc xong, ông Trần Bình Quạn phấn khởi chia sẻ, tham gia trồng hơn 1 sào khoai lang giống mới, đến nay gia đình bà đã bắt đầu thu hoạch; ước tính sản lượng đạt 1,2 tấn, gấp 1,5 lần so với giống khoai lang địa phương trồng trước đây trên cùng diện tích. Với giá bán ngay tại ruộng từ 8.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi lớn, trên 3 triệu đồng/sào. Theo ông Quạn, giống khoai lang KL 20-209 này rất thích hợp với đất cát bạc màu; cách chăm sóc cũng giống như giống khoai lang của địa phương nhưng lớn nhanh hơn, lá to; củ nhiều, to, đều, vỏ màu hồng tím, một gốc từ 4 – 5 củ; đặc biệt là độ bột được đánh giá cao hơn cả khoai lang Đà Lạt, ruột màu vàng nhìn rất đẹp. “Hiện tại, cùng với việc thu hoạch củ, tôi đang chọn những dây khoai lang già, đẹp để nhân giống cho vụ sau”, ông cho hay.
        Theo Phó Trưởng Trạm KN huyện Triệu Phong Hoàng Thị Thùy Trang, xã Triệu Vân là địa phương ven biển bãi ngang, toàn bộ diện tích canh tác là đất cát trắng bạc màu, hàng năm người dân chỉ sử dụng để trồng 1 vụ lúa nhưng năng suất thấp. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên một số diện tích đã bị nước biển xâm thực làm hư hại lúa. Trước thực trạng đó, nhằm chuyển đổi các diện tích này sang trồng các loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, Trạm KN đã triển khai mô hình trồng khoai lang ruột vàng KL 20-209 trên diện tích 2 ha với 38 hộ tham gia. Đây là giống khoai lang mới, có nhiều ưu điểm vượt trội như nhanh bén rể hồi xanh, chậm thoái hóa; thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 110 ngày là đã cho thu hoạch; củ dạng thuôn dài, nhẵn, vỏ đỏ, ruột vàng. Bà Trang cho biết, mặc dù gặp một số khó khăn do mưa rét đầu vụ làm thời vụ trồng bị chậm hơn 20 ngày so với dự kiến nhưng với việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cũng như đầu tư bài bản nên mô hình vẫn cho kết quả vượt trội. Trung bình từ 3 – 5 củ/kg; năng suất thu hoạch đạ hơn 16 tấn/ha. Đặc biệt, giống khoai lang KL 20-209 này có ưu điểm là ít bị sâu hà nên rất được thị trường ưa chuộng. Với giá thu mua của thương lái từ 8.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha trồng khoai lang KL 20-209 cho thu nhập trên 70 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng phân bón lá, phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… để hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. “Hiện tại, Trạm KN đang chỉ đạo nông dân thu hoạch theo đúng tiến độ để chất lượng khoai đạt độ ngọt, tinh bột nhiều nhất, không bị sâu hà ăn củ. Ngoài thu hoạch củ, người dân còn tận dụng thu hoạch thân dây để làm thức ăn cho gia súc”, bà Trang cho biết thêm.
       Ông Hồ Văn Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Vân đánh giá rất cao hiệu quả mà mô hình trồng khoai lang ruột vàng KL 20-209 mang lại. Ông Phùng cho biết, trên diện tích này lâu nay người dân chủ yếu trồng lúa và các loại hoa màu ngắn ngày như dưa leo, đậu xanh và cả giống khoai lang của địa phương… nhưng năng suất và hiệu quả thấp. Trong khi với giống khoai lang KL 20-209 cây phát triển rất tốt; phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương. Năng suất đạt trên 16 tấn/ha; củ có màu vàng tươi, vị ngọt đậm. Ngoài thu hoạch củ, giống khoai lang này còn có thân lá phát triển mạnh, phù hợp làm thức ăn xanh cho chăn nuôi lợn, bò. “So với những loại cây trồng trước đây, đặc biệt là cây lúa thì đến thời điểm hiện tại có thể thấy năng suất của giống khoai lang KL 20-209 cao hơn gấp nhiều lần. Với diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã hơn 140 ha, trong đó chủ yếu canh tác cây lúa trong vụ đông xuân, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân để mở rộng diện tích trồng giống khoai lang ruột vàng KL 20-209 này”, ông Phùng khẳng định.
Theo Gám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn, qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình có thể khẳng định giống khoai lang KL 20-209 rất phù hợp để trồng trên các diện tích đất cát ven biển. Tiềm năng năng suất cao; củ có màu vàng tươi, vị bùi, ngọt hơn các giống khoai khác. Thời gian sinh trưởng chỉ từ 4 – 5 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, ông Cẩn cũng lưu ý, đối với các địa phương ven biển cần phải xác định thời vụ trồng hợp lý. Nguyên nhân là tại các diện tích đất cát ven biển chưa có hệ thống tưới tiêu mà phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, cộng thêm tình trạng thủy triều dâng làm đất bị nhiễm mặn, sương muối, gió biển nên cần xác định đúng thời vụ, tham khảo thêm kinh nghiệm của người dân để xác định thời gian xuống giống thích hợp. Bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất cát bằng phân hữu cơ hoai mục; sử dụng phân bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây, nhất là thời điểm khô hạn và giai đoạn nuôi củ. Ông Cẩn cho biết, Trung tâm KN sẽ phối hợp với huyện Triệu Phong tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng khoai lang ruột vàng KL 20-209 trên địa bàn trong thời gian tới.
          Trên quan điểm đó, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh định hướng thêm, đây là mô hình rất phù hợp trên chất đất cát ven biển Triệu Phong nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, do đó cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi để bà con vùng biển chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có thêm sự lựa chọn đa dạng hóa cây trồng. Song bên cạnh đó cần tìm kiếm thị trường, hướng đến sản xuất hàng hóa như sản xuất khoai deo, khoai sấy, đa dạng hóa sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo được đầu ra, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và phát triển bền vững, lâu dài.
Bài & ảnh: Trần Thị Thúy – Trạm Khuyến nông Triệu Phong

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây