MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG RAU AN TOÀN

Thứ sáu - 05/02/2021 04:41
Năm 2020, diện tích gieo trồng rau trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.018,7ha, tăng 81,2ha so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng ước đạt 53.001,1 tấn, tăng 1821,2 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao và mở rộng diện tích trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ. Hiện nay, có 05 ha rau ở Thành phố Đông Hà được chứng nhận VietGAP và gần 20ha được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mô hình rau trong chuỗi ATTP
Mô hình rau trong chuỗi ATTP
          Ở Quảng Trị, việc kiểm soát an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản theo chuỗi đã triển khai từ năm 2015, đến năm 2020 đã xác nhận, giám sát và kiểm soát an toàn thực phẩm được 11 sản phẩm, bày bán tại 05 cơ sở kinh doanh, cụ thể ở siêu thị Co.opmart (04 sản phẩm) và cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong (04 sản phẩm); 02 sản phẩm nước mắm Huỳnh kế và Khai Hà và 01 sản phẩm rau cải ở quầy kinh doanh HTX. Thành Công tại chợ Hồ Xá. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất từ chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được xác nhận quá ít về số lượng và chủng loại, không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vì vậy xây dựng Đề án phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận với những sản phẩm an toàn có kiểm soát chất lượng là rất cần thiết.
         Mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm rau được triển khai xây dựng tại Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Xuân Long, địa chỉ: thôn Xuân Long - xã Trung Hải - huyện Gio Linh - tỉnh Quảng Trị với diện tích 0,5 ha, 07 hộ tham gia có cam kết trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
         Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Xuân Long (Thay đổi tên từ Tổ hợp tác sản xuất rau nhà lưới đơn giản thôn Xuân Long thành lập tại thời điểm 12/2018). Các hộ trong tổ hợp tác có kinh nghiệm trồng rau, đã được tập huấn kiến thức về trồng rau trong nhà lưới và có nhà lưới đơn giản để sản xuất. Do vậy trong suốt thời gian thực hiện các nông dân tham gia chương trình đã thể hiện được vai trò, ý thức của mình trong thực hiện mô hình, các hộ nông dân đã thực hiện tốt yêu cầu kỹ thuật đề ra, đã nâng cao quy mô, chủng loại rau các vụ tiếp theo, đây là điểm sáng cho rất nhiều nông dân và các tổ chức khác tham quan học tập.
         Tổng kinh phí hỗ trợ cho mô hình: 28.425.000đ bao gồm hỗ trợ vật tư nông nghiệp trồng rau; dụng cụ sơ chế, bảo hộ lao động, nhãn sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc… Trước khi nhận vật tư, các hộ tham gia chương trình được các cán bộ chỉ đạo theo dõi chỉ đạo kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng điều kiện trồng rau như nhà lưới, đất đai, nước tưới, công lao động và được tập huấn kỹ thuật trồng rau đảm bảo ATTP; Tập huấn, hướng dẫn cho người trồng rau quy trình kỹ thuật sản xuất rau đúng theo quy trình đảm bảo ATTP bao gồm các khâu: Làm đất, ủ phân với chế phẩm sinh học trichoderma, tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thu hoạch, sơ chế… Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, các hộ nông dân đều hiểu, nắm được kỹ thuật và vận dụng một cách có hiệu quả trong quá trình sản xuất rau.
        Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành lấy mẫu đất sản xuất, nước tưới, nước sơ chế trước khi vào sản xuất để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo quy định. Kết quả phân tích mẫu đất, nước sản xuất và nước sơ chế rau đủ điều kiện an toàn để tổ chức sản xuất theo quy định.
         Sản phẩm rau được sản xuất, sơ chế, bao gói, dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc, kinh doanh theo chuỗi được cơ quan chức năng giám sát an toàn thực phẩm tại mỗi công đoạn giúp cho người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn sản phẩm. Mặt khác với hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm, là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp thời kỳ hiện nay.
Trong quá trình thực hiện, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành lấy 09 mẫu rau kiểm nghiệm chất lượng, trong đó kiểm tra định tính nhóm lân hữu cơ và cacbamat, kiểm tra định lượng nhóm cúc hữu cơ, vi sinh vật E. coli và Salmonella. Kết quả không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các mẫu kiểm nghiệm. Ngoài ra trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật thường xuyên lấy mẫu rau tại vườn để kiểm tra định tính 2 nhóm thuốc nhóm lân hữu cơ và cacbamat, kết quả không phát hiện.
         Thông qua mô hình người trồng rau đã dần chuyển từ phương thức trồng rau truyền thống sang sản xuất sản phẩm rau theo chuỗi từ trồng trọt đến cửa hàng kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, ổn định đầu ra cho bà con trồng rau. Qua mô hình, người dân cơ bản đã thay đổi được phương thức, tập quán trồng rau cũ sang phương thức tập quán trồng rau mới hiệu quả hơn. 
         Việc sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ hiệu quả không cao hơn so với sản xuất thông thường tuy nhiên có ý nghĩa rất lớn về mặt bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sống. 
         Nếu sản xuất theo chuỗi, sau khi sơ chế, bao gói, dán tem nhãn lãi ròng cao hơn so với không sơ chế, bao gói, dán tem nhãn là 25.850.000đ/ha/vụ.
         Sản xuất theo chuỗi giúp ổn định đầu ra cho người nông dân, giúp cho nông dân nắm bắt được một cách bài bản hơn về các biện pháp kỹ thuật về sản xuất rau như: bón phân, ủ phân, chăm bón, thuốc BVTV, sơ chế, bao gói, dán nhãn… hạch toán kinh tế trong trồng trọt, sơ chế nhờ đó đã mở ra một hướng mới cho người trồng rau trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt mô hình sản xuất theo chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, người sản xuất minh bạch thông tin sản xuất, giúp cho người tiêu dùng sử dụng được thực phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Sản phẩm rau sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm bán tại các cửa hàng nông sản sạch đã tạo được lòng tin cho người tiêu dùng.
         Có thể thấy mô hình trên đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ người sản xuất đến người tiêu dùng về rau an toàn đối với sức khỏe con người, giải quyết được một phần nhu cầu cấp thiết của xã hội về an toàn thực phẩm rau xanh, giảm bớt những chi phí không đáng có cho xã hội, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình cần được nhân rộng để chuỗi cung ứng thực phẩm rau an toàn ngày càng nhiều thêm./.
Nguyễn Thị Hải Dương - Chi cục QLCLNLS&TS

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây