THU NHẬP ỔN ĐỊNH TỪ CÂY MƯỚP ĐẮNG

Thứ ba - 27/04/2021 04:17
Chúng tôi có dịp về xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị trong một ngày đẹp trời. Ghé thăm HTX Lại An, mới thấy hết vẻ đẹp của những vườn mướp đắng trĩu nặng quả. Nhìn xa xa là một màu xanh mát dịu, xen lẫn là tiếng cười nói của các hộ dân đang thu hoạch vụ mướp năm nay. Các tia nắng ấm đang xuyên qua những bông hoa mướp vàng, những ngọn mướp xanh non từ giàn mướp vươn ra hai bên con đường liên thôn như đang muốn khoe sắc trong rất đẹp mắt.
THU NHẬP ỔN ĐỊNH TỪ CÂY MƯỚP ĐẮNG
Ghé vào thăm vườn mướp gia đình ông Phan Văn Gia, thôn Lại An. Đang nhanh tay thu hoạch mướp để cung cấp cho thương lái, nở nụ cười, ông Gia dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu vườn. Trao đổi với chúng tôi, ông Gia cho biết, gia đình ông là một trong các hộ tiên phong đưa cây mướp vào trồng, đến nay gia đình ông trồng mướp đắng đã hơn 15 năm. Vườn mướp đắng của gia đình ông rộng hơn 4 sào (500m2/sào).
Với kinh nghiệm trồng mướp nhiều năm ông Gia cho biết, mướp đắng là loại cây dễ trồng, thời vụ thu hoạch dài. Tuy nhiên, đây là cây trồng ngoài trời nên không thể tránh khỏi tình trạng sâu bệnh hại. Thời điểm ra hoa, đậu quả thường bị các loại sâu bệnh phá hoại như ruồi đục quả, sâu đục quả, bọ rùa ăn lá thường làm giảm năng suất và giảm chất lượng quả. Những năm trước để có năng xuất ông và các hộ dân nơi đây phải phun thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh thường xuyên. Nhưng 3 năm trở lại đây từ các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên cây mướp đắng; các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện về kỹ thuật trồng mướp đắng an toàn sinh học, các hộ dân đã tích cực trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ.
image 20210427150503 1
vườn mướp ông Gia
Mướp đắng sau khi gieo 45 - 50 ngày, bắt đầu thu hoạch lứa đầu tiên, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 - 5 tháng tùy theo mức độ thâm canh của nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc là yếu tố quyết định đến năng suất cây mướp đắng. Để diện tích mướp đắng được sai quả ông Gia đã chú trọng áp dụng các kỹ thuật, sử dụng các thuốc phòng trị bệnh có nguồn gốc sinh học. Không dùng đến thuốc hóa học nhưng cây mướp vẫn sinh trưởng, phát triển xanh tốt.
Các luống trồng được ông làm cao để tránh nước động, và được phủ bạt nilon để trừ cỏ dại. Giàn mướp được ông làm cao trên 1,5m tạo không gian thoáng đãng để cây có thể hấp thu ánh mặt trời. Tận dụng nguồn phân chuồng, ông thường xuyên ủ phân bằng chế phẩm Trichoderma để tạo nguồn phân hữu cơ bón cho vườn mướp. Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc ông chú trọng áp dụng các kỹ thuật như bón phân hữu cơ vi sinh, sử dụng các thuốc phòng trị bệnh có nguồn gốc sinh học, áp dụng phương pháp dẫn dụ côn trùng và bắt sâu, sử dụng chế phẩm sinh học làm từ rượu, gừng, tỏi, ớt để phòng ngừa sâu bệnh cho mướp và tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. “Hiện nay trung bình mỗi ngày ông cung cấp cho thương lái khoảng 1 tạ mướp đắng. Với giá bán giao động từ 15.000 - 40.000 đồng/kg tùy từng thời điểm của vụ thì mỗi sào mướp sẽ cho thu nhập từ 10 - 15 triệu. Tính ra trồng mướp lãi hơn rất nhiều nếu cùng diện tích này mà trồng các loại cây trồng khác”, ông Gia nói.
Ngoài gia đình ông Gia, hiện nay toàn thôn Lại An trên có 100 hộ tham gia trồng cây mướp đắng với tổng diện tích gần 15ha. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đắc - Giám đốc HTX Lại An, cho biết: mướp đắng là cây trồng phù hợp với vùng đất của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Vào vụ trồng mướp ban Giám đốc HTX luôn theo dõi, chủ động có những thông báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Trong đó chú trọng đến các biện pháp sinh học để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
Sản phẩm mướp đắng của HTX nông nghiệp Lại An đã được đăng ký nhãn hiệu nên người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh mà nhiều tỉnh, thành phố khác biết đến và tiêu thụ. Hiện nay HTX đang đăng ký và thực hiện sản phẩm OCOP đối với mướp đắng. Qua đây ý thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp cũng dần được nâng lên, chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ tạo nông sản sạch để phát triển bền vững sẽ giúp nhiều hộ nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bài & ảnh: Phan Việt Toàn - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây