KẾT QUẢ MÔ HÌNH CHĂN NUÔI GÀ BẢN ĐỊA TẠI XÃ TRIỆU NGUYÊN

Thứ tư - 06/01/2021 20:28
Chăn nuôi gà là nghề truyền thống lâu đời của người dân, luôn chiếm vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Với Quảng Trị nói chung và huyện Đakrông nói riêng, những năm gần đây chăn nuôi gia cầm có bước phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng (nhất là trong điều kiện dịch tả lợn Châu phi xảy ra).
KẾT QUẢ MÔ HÌNH CHĂN NUÔI GÀ BẢN ĐỊA TẠI XÃ TRIỆU NGUYÊN
       Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi còn mang tính truyền thống, nhỏ lẻ, xử lý chất thải ít được người dân quan tâm, bà con chăn nuôi tự nhân giống theo kinh nghiệm, dịch bệnh thường xảy ra do vậy chất lượng và hiệu quả chưa cao. Trong đó Giống gà Ri (gà bản địa) của địa phương Đakrông được coi là giống gà quý hiếm, thịt thơm ngon chưa được quan tâm phát triển bảo tồn và nhân rộng. 
       Để phát triển chăn nuôi và bảo tồn nguồn gen quý tại địa phương, quản lý tốt dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế bền vững cho người dân huyện miền núi, hướng đến hình thành vùng sản xuất hàng hóa, phát triển vật nuôi có lợi thế của địa phương, tạo thương hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc trưng. Năm 2020 Trung tâm KN Quảng Trị tổ chức thực hiện mô hình: “Chăn nuôi gà bản địa sinh sản” tại 6 hộ của xã Triệu Nguyên - huyện ĐaKrông (50 con/MH, gồm 45 mái; 5 trống).
 
 Kiểm tra mô hình chăn nuôi gà bản địa tại xã Triệu Nguyên
       Các hộ tham gia MH được hỗ trợ 70% chi phí con giống, thức ăn, máy ấp nở  trứng, chế phẩm Balasa  và một số vật tư thiết yếu khác, (30% còn lại người dân tự đối ứng). Giống gà bản địa được thu mua tại địa phương (12- 16 tuần tuổi), được nuôi cách ly và tiêm vaccine phòng bệnh theo quy định.
     Trong suốt quá trình thực hiện các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn nuôi gà bản địa và phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật ấp nở trứng gia cầm, Ngoài ra còn hướng dẫn cách tự phối trộn các loại thức ăn từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương để thay thế  thức hỗn hợp công nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng. 
     Kết quả sau 10 tháng triển khai, mô hình bước đầu đã đạt được kết quả khả quan: Giống gà bản địa thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Tỷ lệ nuôi sống bình quân của đàn gà đạt 92,4%, khối lượng bình quân đạt từ 1,2 đến 1,7 kg/con. Các chỉ tiêu về chất lượng trứng, kết quả ấp nở đều đạt khá cao, Khối lượng trứng trung bình 42,4 g/quả, số trứng đẻ 10.145 quả được lựa chọn đưa vào máy ấp 1.259 quả; kết quả tỷ lệ trứng có phôi đạt 95,12% ,tỷ lệ nở đạt 76,97%,  sản lượng trứng trung bình 2.11 quả/mái/tuần (tỷ lệ đẻ tăng dần từ 21 – 40 tuần tuổi - cao nhất ở tuần thứ 33- 36), đàn gà con nở ra sinh trưởng phát triển tốt.
        Bà DươngThị Sen ở thôn Xuân Lâm - xã Triệu Nguyên được Trung tâm khuyến nông tỉnh chọn là một trong những hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà bản địa chia sẻ: “Lúc đầu đăng ký tham gia mô hình tôi cũng thấy lo vì đây là mô hình mới, giống gà Ri bản địa với tập tính bay cao, bay xa không biết nuôi nó có dễ  không. Nhưng thực tế từ khi tôi nhận giống về nuôi 50 con (gồm 45 mái và 5 trống) thì thấy gà nuôi dễ chăm sóc, ăn tạp,khả năng tự tìm kiếm thức ăn cao, ít bệnh, sau 1,5 -2 tháng nuôi thì gà bắt đầu đẻ và được cán bộ kỹ thuật hướng lựa chọn trứng đưa vào máy ấp nở, chăm sóc qua các giai đoạn nên cảm thấy an tâm trong việc chăm sóc, đầu tư” 
Một số hộ nông dân cũng cho biết thêm: “Trong cùng độ tuổi thì tốc độ tăng trọng của giống gà bản địa sinh sản có chậm hơn so với giống gà khác, tuy nhiên sức đề kháng cao đặc biệt chất lượng thịt và trứng thơm ngon, giá bán lại cao”
        Với mô hình Chăn nuôi gà bản địa sinh sản thực hiện tại xã Triệu Nguyên bước đầu cho thấy: Đây là mô hình dễ ứng dụng, khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Thông qua mô hình này sẽ giúp người dân thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang phương thức chăn nuôi có đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho một số người dân tại địa phương. 
     Từ kết quả bước đầu của mô hình này, Trung tâm khuyến nông sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình ra các vùng khác trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương, tạo thương hiệu sản phẩm chăn nuôi đặc trưng của vùng cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, kết nối thị trường để người dân yên tâm sản xuất.
Bài & ảnh: Hoàng Hương- Trung tâm KN Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây