1. Trên cây lúa: Chuột, ốc bươu vàng, rầy… tiếp tục tồn tại trên lúa chét, cỏ dại.
Biện pháp phòng trừ: Tranh thủ những đợt mưa to tiến hành diệt chuột, thường xuyên diệt trừ ốc bươu vàng để hạn chế gây hại cho vụ tới.
2. Trên cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, tuyến trùng,... tiếp tục gây hại nhiều nơi, đặc biệt bệnh chết nhanh, chết chậm có thể lây lan, gây hại nặng các vườn bị bệnh, vùng ổ dịch, những vườn thoát nước kém.
Biện pháp phòng trừ: Đào rãnh thoát nước, không để đọng nước trong mùa mưa. Kiểm tra, xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp, bệnh chết chậm, chết nhanh... Đối với bệnh chết nhanh cần thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn và đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột; sử dụng các loại thuốc để phòng trừ.
3. Trên cây cà phê: Các đối tượng dịch hại như: Bệnh khô cành, thán thư, rỉ sắt... tiếp tục gây hại nhiều nơi, hại nặng trên các vườn cà phê già cỗi, các vườn không chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh.
Biện pháp phòng trừ: Tiến hành khơi rãnh thoát nước, xử lý thuốc trừ sâu bệnh ở những vườn bị gây hại nặng.
4. Trên cây cao su: Bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo tiếp tục phát sinh phát triển.
Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện và xử lý cây bị bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo. Tiến hành bôi thuốc trên mặt cạo và vết xì mủ bằng các loại thuốc đặc hiệu để tránh lây lan.
5. Trên cây sắn: Bệnh khảm lá virus DTN giảm dần do thu hoạch.
Biện pháp phòng trừ: Thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn bị bệnh sau thu hoạch đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh, không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên các bờ thửa, hàng rào. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn cũng như vận chuyển từ nơi khác đến, nghiêm cấm việc vận chuyển thân lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh./.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT & BVTV