Do đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Theo đó, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm; sản phẩm sau mỗi công đoạn phải được dán nhãn có đầy đủ thông tin hoặc được định dạng bằng một phương thức thích hợp để dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu bắt buộc đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH 10 ngày 11/7/2010.
Sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử là phương pháp thông tin hiện đại để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) quét tem truy xuất có trên bao bì sản phẩm thì mọi thông tin cần biết về sản phẩm sẽ được hiển thị, người tiêu dùng trực tiếp thu thập đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Đặc biệt, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử có hiệu quả cao đối với sản phẩm thực phẩm nông lâm thuỷ sản nhất là rau, quả, thịt, thủy sản tươi sống. Vì vậy khi những sản phẩm này được gắn tem truy xuất nguồn gốc sẽ tạo niềm tin rất cao cho người tiêu dùng, sẽ khắc phục được hạn chế thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn mà hiện tại chưa có biện pháp hiệu quả để phân biệt.
Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn giúp cơ quan quản lý xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm một cách hiệu quả nhanh chóng, tăng khả năng truy tìm nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm ở các công đoạn sản xuất. Tăng khả năng thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn đã lưu thông trên thị trường từ đó hạn chế tối đa hậu quả do sản phẩm không an toàn gây ra. Đây cũng là giải pháp để người kinh doanh và người tiêu dùng có cơ hội thực hiện các quyền lợi chính đáng nếu không may xảy ra các sự cố và tranh chấp liên quan đến sản phẩm không đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh và sử dụng.
Để lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở sản xuất cần thực hiện theo quy trình cụ thể như sau:
* Đối với cơ sở sản xuất:
+ Lưu hồ sơ mua nguyên liệu: Khi mua nguyên liệu, bán thành phẩm, hoặc thành phẩm của một đơn vị khác để đưa vào sản xuất cần phải cập nhật đầy đủ thông tin về chủng loại sản phẩm, khối lượng bao nhiêu, đơn vị nào cung cấp, mua ở thời điểm nào, chất lượng nguyên liệu… vào sổ ghi chép hoặc phần mềm quản lý sản xuất của cơ sở để khi cần là có thể truy xuất. Đồng thời lưu giữ hoá đơn mua hàng, hồ sơ công bố chất lượng của đơn vị đã bán hàng.
+ Lưu hồ sơ các công đoạn sản xuất: Mỗi công đoạn sản xuất đều phải ghi chép diễn biến quá trình sản xuất, ai thực hiện, sử dụng nguyên liệu như thế nào, loại phụ gia gì (nếu có), khối lượng sản xuất từng lô được bao nhiêu...
(Ví dụ đối với cơ sở trồng trọt: cần ghi chép đầy đủ thông tin diện tích gieo trồng bao nhiêu, ngày gieo trồng, ngày bón phân, loại phân gì, liều lượng bao nhiêu; sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh loại gì, liều lượng bao nhiêu, thời điểm phun thuốc, thời gian cách ly đối với loại thuốc bảo vệ thực vật phun lần cuối, thời gian thu hoạch sản phẩm, sản lượng bao nhiêu...)
+ Lưu hồ sơ bán sản phẩm: Khi bán sản phẩm phải ghi đầy đủ thông tin khách hàng mua sản phẩm, khối lượng bao nhiêu, thời điểm mua sản phẩm vào sổ ghi chép.
* Đối với cơ sở kinh doanh: cần lập hồ sơ ghi chép nguồn gốc sản phẩm bao gồm:
+ Hồ sơ mua sản phẩm: mua của cơ sở nào, địa chỉ, số lượng bao nhiêu, thời gian mua hàng...
+ Hồ sơ bán sản phẩm: bán cho ai, địa chỉ, số lượng bao nhiêu, thời gian bán hàng…
Tất cả hồ sơ ghi chép nêu trên được lưu giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trong vòng 1 năm để phục vụ cho mục đích truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có sự cố vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra và cung cấp cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi thực hiện kiểm tra tại cơ sở.
Trong những năm qua, Quảng Trị đã ban hành một số chính sách về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tạo dựng thương hiệu và áp dụng mã QR để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và người dân yên tâm với sản phẩm tiêu dùng. Theo đó, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc, như Gạo hữu cơ, hồ tiêu, cà phê, tiêu, cam K4, thanh long, cao trà thực vật và các sản phẩm từ cây dược liệu, nước mắm…. được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưu chuộng và tin dùng.
Vì vậy, trong thời gian tới để đẩy mạnh việc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử đối với hàng hoá thực phẩm cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Cần tuyên truyền để người tiêu dùng biết được hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và tăng cường sử dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc điện tử bằng điện thoại thông minh sử dụng thực phẩm.
- Để đưa truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực hiện rộng rãi cần vận động, thuyết phục để cơ sở sản xuất biết được những lợi ích khi áp dụng hệ thống truy xuất điện tử vào quá trình sản xuất
- Để đẩy nhanh việc áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử vào sản phẩm nông sản thực phẩm, đề nghị các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các nguồn lực liên quan để khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh./.
Phạm Đình Mỹ Công
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản