Tăng cường công tác quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ

Thứ hai - 14/02/2022 03:17
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói chung và nuôi tôm nước mặn, lợ nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì nghề nuôi tôm cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ của môi trường và dịch bệnh. Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản đã triển khai công tác quan trắc thường xuyên môi trường nuôi tôm nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo sản xuất, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển bền vững…
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Hiện nay môi trường nuôi thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động NTTS không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng không ít đến NTTS… Do đó, việc quan trắc môi trường phục vụ NTTS là hết sức cần thiết, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi. Qua đó, giúp người nuôi chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững NTTS của vùng. Thực hiện Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 04/02/2021 của UBND tỉnh, trong năm 2021, thực hiện quan trắc 9 đợt (tháng 8 - 12/2021: 2 đợt/tháng, tháng 12/2020: 1 đợt/tháng), Chi cục Thủy sản tiến hành quan trắc môi trường nước ao nuôi đại diện tại 5 xã/phường của 5 huyện/thành phố gồm: xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Giang (huyện Gio Linh), xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), xã Hải An (huyện Hải Lăng), phường Đông Giang (thành phố Đông Hà) và quan trắc nguồn nước cấp tại 11 xã/phường của 5 huyện/thành phố gồm: xã Hiền Thành, Vĩnh Thái, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Giang, Gio Mai (huyện Gio Linh); xã Triệu An, Triệu Phước, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong); xã Hải An (huyện Hải Lăng) và phường Đông Giang, Đông Lễ (thành phố Đông Hà). Các chỉ tiêu quan trắc trong môi trường nước ao nuôi bao gồm: Nhiệt độ, pH, độ trong, độ mặn, độ kiềm, DO, N-NO2, N-NH4, N-NO3, P-PO4, TSS, COD, mật độ và thành phần tảo, Coliforms, H2S, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus; Đối với nguồn nước cấp bao gồm: Nhiệt độ, pH, độ trong, độ mặn, độ kiềm, DO, N-NO2, N-NH4, N-NO3, P-PO4, TSS, COD, Coliforms, mật độ và thành phần tảo độc, H2S, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus, Pb, As. Dữ liệu quan trắc sau khi phân tích sẽ được tổng hợp và thông báo đến các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, đồng thời hệ thống hóa thành cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá diễn biến môi trường theo thời gian. Từ đó, dự báo diễn biến môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất.
Cụ thể, kết quả quan trắc môi trường Đợt 4 ngày 20/9/2021, trong 5 mẫu nước được lấy trong ao nuôi tôm, không phát hiện vi khuẩn vibrio parahaemolyticus. Ao nuôi Vĩnh Sơn: hàm lượng COD vượt ngưỡng cho phép. Ao nuôi Trung Giang: hàm lượng H2S, COD vượt ngưỡng cho phép. Ao nuôi Triệu Lăng: hàm lượng H2S, N-NO₂⁻, N-NH₄⁺, COD vượt ngưỡng cho phép. Ao nuôi Hải An: hàm lượng H2S, N-NO₂⁻, N-NH₄⁺, COD vượt ngưỡng cho phép, mật độ tảo lam cao, các thông số còn lại nằm trong giới hạn cho phép. Ao nuôi Đông Giang: hàm lượng COD, vibrio tổng vượt ngưỡng cho phép. Đối với 11 mẫu nước cấp, không phát hiện tảo độc. Độ mặn, độ kiềm ở các điểm: Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Gio Mai, Triệu Phước, Đông Giang, Đông Lễ thấp hơn giới hạn cho phép để nuôi tôm. Hàm lượng COD ở các điểm: Vĩnh Sơn, Triệu Lăng, Đông Giang, Đông Lễ vượt ngưỡng cho phép. Mật độ Vibrio tổng số ở các điểm Triệu An và Hải An vượt ngưỡng cho phép. Mật độ Vibrio parahaemoliticus ở các điểm Triệu Lăng và Hải An vượt ngưỡng cho phép. Ngoài các thông số vượt ngưỡng, các thông số còn lại năm trong giới hạn cho phép.
Trên cơ sở các kết quả quan trắc này, Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Đối với ao nuôi: Những ao nuôi có mật độ tảo cao, cần thay khoảng 10 - 20% lượng nước trong ao nuôi; ao nuôi có hàm lượng vibrio tổng cao, cần tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại; cho tôm ăn lượng vừa đủ, tránh dư thừa gây lãng phí và phì dưỡng trong ao; tăng cường sục khí, siphon đáy để giảm khí độc trong ao nuôi; định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nhằm nâng cao chất lượng nước ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn cho tôm ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm; thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường trong ao nuôi để kịp thời xử lý khi có sự biến động bất lợi đối với tôm nuôi; vào mùa mưa, độ mặn ao nuôi và nước cấp giảm, do đó cần chuẩn bị nguồn nước sẵn sàng trong ao lắng để đảm bảo đủ nguồn cấp nước vào ao nuôi khi cần thiết. Đối với vùng nước cấp: Có thể sử dụng nguồn nước cấp trong đợt quan trắc này để cấp cho ao nuôi tôm ở khu vực các xã Vĩnh Thái Trung Giang. Không nên cấp nước vào ao nuôi ở các xã, phường: Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Gio Mai, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Phước, Hải An, Đông Giang, Đông Lễ. Nếu cần thiết phải sử dụng, các hộ nuôi nên thực hiện theo quy trình cấp nước như sau: Lấy nước qua túi lọc dày (đường kính lỗ lọc ≤200 μm) ở thời điểm đỉnh triều để loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng và cá tạp vào ao lắng; nâng độ kiềm lên khoảng giá trị phù hợp (60-180 mg/L) bằng vôi dolomite hoặc NaHCO3; diệt khuẩn nước; chạy quạt khí và giữ nước trong ao lắng 1 - 2 ngày. Lưu ý: Độ mặn trong nguồn nước cấp tại các vùng ven sông thấp, các hộ nuôi cần kiểm tra chênh lệch độ mặn giữa nguồn nước cấp và ao nuôi, sử dụng lượng nước cấp hợp lý, tránh làm thay đổi đột ngột độ mặn, ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Dương Văn Chinh Chi cục Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây