CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG

Thứ hai - 04/10/2021 04:59
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030”, UBND tỉnh đã chủ động ban hành Kế hoạch số 5980/KH-UBND ngày 28/12/2020 về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó Nông nghiệp được xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên tập trung thực hiện chuyển đổi số đến năm 2030.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
        Với diện tích tự nhiên 470.123 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 88%, nông nghiệp được xác định là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp Quảng Trị đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng miền, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, Cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn, Tiêu Cùa, Tiêu Vĩnh Linh, dược liệu (chè vằng, cà gai leo, tinh bột nghệ...), con tôm, gỗ nguyên liệu rừng trồng... 
          Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông của tỉnh đang phát triển nhanh và phủ sóng khá rộng. Tỷ lệ phủ sóng hạ tầng internet băng rộng cố định đến Trung tâm xã: 100%, đến thôn, bản, khu phố: 86%; Tỷ lệ phủ sóng hạ tầng mạng viễn thông di động đến Trung tâm xã: 100%, thôn, bản, khu phố 97%; Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 60,19%; Số thuê bao di động đạt 100% dân số, trong đó 15% có sử dụng dịch vụ internet băng rộng cố định... Theo kết quả điều tra nhanh của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có 63% Hợp tác xã, Tổ hợp tác được trang bị máy tính, trong đó có 95,8% máy tính được kết nối mạng Internet; có 26,1% cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác sử dụng thành thạo máy tính; Có 75,8% số hộ sản xuất nông nghiệp có điện thoại thông minh, trong đó 65,5% số hộ có điện thoại, máy tính kết nối internet, có 84,8% số hộ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh/máy tính.
         Việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Nhiều mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất hoa lan đại hồ điệp, hoa lily, dâu tây, cà chua siêu ngọt, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực; hơn 1.000 ha lúa đã ứng dụng máy bay không người lái (Drone) vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa; nhiều công nghệ mới như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng trong quản lý điều hành, theo dõi an toàn các hồ chứa nước lớn trên địa bàn, cập nhật dữ liệu diễn biến rừng và theo dõi, giám sát cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Nhiều phần mềm, công nghệ hỗ trợ, chữ ký số được ứng dụng vào hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước; Có 80 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được niêm yết giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như: voso, Postmart…
           Với tiềm năng lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng như hiện trạng về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, internet, đặc biệt là tỷ lệ điện thoại thông minh của các hộ sản xuất nông nghiệp tương đối cao, là tiền đề và điều kiện rất quan trọng để tỉnh Quảng Trị đi tắt, đón đầu chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành trong cả nước, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn hạn chế: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chuyển đổi số chưa đồng bộ; khối lượng cơ sở dữ liệu yêu cầu số hóa lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn ít; Thiếu chuyên gia hỗ trợ và trình độ kỹ năng số của người nông dân còn thấp; Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít; Hầu như chưa có Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số…
         Giai đoạn 2021-2025, Quảng Trị xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; Phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu của ngành... nhằm đổi mới công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Thông qua chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý toàn ngành, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 
           Để thực hiện được định hướng đó, hiện nay Ngành Nông nghiệp và PTNT  đang tham mưu xây dựng Dự thảo Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và PTNT đến 2025, định hướng đến 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data); Đào tạo kỹ năng số cho nông dân và cán bộ quản lý nông nghiệp các cấp; Ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trong phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực; ưu tiên xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình điểm về ứng dụng internet vạn vật (IoT), máy bay không người lái (Drone); quy trình sản xuất khép kín trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng các phần mềm, công nghệ mới vào quản lý, điều hành, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, cháy rừng, an toàn hồ đập, điều tiết tưới tiêu khoa học tiết kiệm… đây là là cơ hội để nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị bứt phá, vươn lên, đẩy nhanh quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong xu thế hội nhập.
Nguyễn Ngọc Thạch – Sở NN & PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây