ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI TRONG VỤ HÈ THU 2021

Thứ năm - 27/05/2021 04:29
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động xấu đến đời sống kinh tế xã hội của cả nước, trong đó có Quảng Trị. Đặc biệt là các đối tượng cây trồng sản xuất trong vụ Hè Thu. Sản xuất vụ Hè Thu 2021 diễn ra trong bối cảnh dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, dịch bệnh trên cây trồng luôn là thách thức tiềm ẩn trong thực tiển sản xuất, kèm theo đó dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới cần thời gian dài để xử lý.
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI TRONG VỤ HÈ THU 2021
Theo Dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Quảng Trị, vụ Hè Thu 2021 nắng nóng có thể xảy ra gay gắt, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 với tần suất 2-3 đợt/tháng, trong đó tháng 8-9 nhiệt độ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1oC. Lượng mưa dự báo xấp xỉ dưới TBNN, lưu ý cuối tháng 5 đầu tháng 6 có khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn, tháng 7 đến tháng 9 dự báo lượng mưa ở mức thấp hơn đến xấp xỉ TBNN (đạt từ 80-90% TBNN)... Mặt khác nhiều công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do mưa lũ năm 2020, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi,... là rất lớn. Thêm vào đó, sau khi kết thúc lịch tưới cho cây lúa vụ Đông Xuân mực nước ở các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn đều ở mức thấp so với dung tích thiết kế, bình quân đạt 70-90% (trong đó, một số hồ lớn như: Ái tử 79%, Trúc Kinh 78%, Hà thượng 94%, Kinh môn 73%, Bảo Đài 75%, La Ngà 68%... Theo số liệu của Công ty TNHH MTV QLKTCT Thủy lợi Quảng Trị, đến ngày 10/5/2021). Mực nước này có nguy cơ tiếp tục giảm nhanh do nắng nóng và gió mùa Tây nam xuất hiện mạnh trong vụ Hè Thu 2021, dự báo vụ Hè Thu 2021 có khoảng 1.274,09 ha lúa bị thiếu nước cần phải chuyển đổi (số liệu cập nhật từ UBND các huyện, thành phố, thị xã).
Với những dự báo nói trên, việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, ứng dụng đồng bộ các giải pháp sản xuất thích ứng với điều kiện bất lợi là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo Kế hoạch đặt ra. Trong đó, điều tiết nước tưới tiết kiệm, khoa học, phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống lúa mới, ngắn ngày và cực ngắn nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm chi phí, thu hoạch sớm nhằm ứng phó tốt nhất với điều kiện khô hạn cũng như thiên tai, dịch bệnh để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ Thông báo số 707/TB-SNN-TTBVTV ngày 20 tháng 4 năm 2021 về thông báo Lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2021...,  nhằm rút ngắn thời gian trên đồng ruộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai cuối vụ gây ra.
Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước trong Vụ Hè thu đã đạt được kết quả khá cao, vụ Hè thu năm 2020, toàn tình có hơn 150 ha đất lúa chuyển đổi sang các cây trồng cạn khác như: Ngô, đậu xanh, dưa hấu, rau màu... Nhìn chung, các loại cây trồng chuyển đổi đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi 45 ha đất lúa thiếu nước vụ Hè Thu sang trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Gio Linh. Trong vòng 60 ngày, sau khi trừ chi phí bà con lãi trung bình 5-6 triệu đồng/sào/500m2 (100-120 triệu đồng/ha), nơi cao đạt 160-180 triệu đồng/ha, gấp 8-10 lần so với sản xuất lúa ở vùng được mùa nhất.
Vụ Hè thu 2021, ước tính có hơn 1.250 ha sản xuất lúa thiếu nước tưới cần chuyển đổi. Việc chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, đất lúa thiếu nước là một hướng đi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả trong tổ chức sản xuất, các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu để có những giải pháp sát, đúng, phù hợp với từng chân đất, vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có thể lưu ý một số nội dung:
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên tuyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân các giải pháp, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi;
- Trên cơ sở đất đai của mỗi địa phương, định hướng tiêu thụ của thị trường, năng lực sản xuất, tập quán canh tác của người nông dân để lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp (như: Dưa hấu, Đậu xanh, Ngô…);
- Tuyệt đối không sản xuất lúa trên những diện tích thiếu nước tưới;
- Xây dựng một số chính sách đặc thù của địa phương (hỗ trợ giá giống, hỗ trợ chi phí làm đất, xúc tiến thương mại…) để hỗ trợ người dân tại các vùng chuyển đổi yên tâm triển khai thực hiện;
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng với điều kiện khô hạn:
+ Cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ mới vào sản xuất cây trồng cạn; Áp dụng tối đa cơ giới hóa để giảm công lao động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả sản xuất;
+ Lồng ghép với các chương trình dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân nhằm tăng hiệu quả sản xuất;
- Kết nối, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản, đồng thời mô hình chuyển đổi có thể triển khai trên diện rộng và bền vững.
Việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp trong công tác tổ chức sản xuất, nhất là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước cần được các địa phương quan tâm, hỗ trợ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người sản xuất, nâng cao thu nhập góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, tạo ra các sản phẩm có giá trị, từng bước thực hiện thành công Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm cũng như tạo nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
image 20210527150849 1
Mô hình chuyển đổi Dưa hấu trên đất Lúa tại Gio Linh vụ Hè Thu 2020
Trương Thị Mỹ Hạnh - Chi cục TTBVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây