SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ, CANH TÁC TỰ NHIÊN - ĐIỂM NHẤN TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ

Chủ nhật - 04/07/2021 23:04
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND về thúc đẩy phát triển cây trồng con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều chính sách quan trọng khác.
SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ, CANH TÁC TỰ NHIÊN - ĐIỂM NHẤN TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG TRỊ
         Trên cơ sở các quyết sách, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, Quảng Trị lựa chọn giải pháp để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là Gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, Hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua Doanh nghiệp… tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 3,7%, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, sản phẩm hữu cơ Quảng Trị đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế, góp phần rất lớn thực hiện thành công Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
        Với nền tảng là những chính sách đặc thù của địa phương kết hợp với các nguồn lực tổng hợp, Ngành nông nghiệp và PTNT đã có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong tổ chức chỉ đạo sản xuất, góp phần tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, giá trị gia tăng vượt trội, tạo nên điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020. Trong đó có các mô hình, dự án liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên được triển khai đồng bộ tại các vùng trọng điểm lúa của tỉnh như Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh đã tạo ra nét tươi mới trong sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh.
       Các mô hình, dự án canh tác lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong tư duy tổ chức sản xuất về cánh đồng lớn, dồn điền đổi thửa, ứng dụng cơ giới hóa, quy trình canh tác an toàn, thân thiện với môi trường. Việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, tận dụng hệ vi sinh vật bản địa… đã góp phần giúp khôi phục, tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa. Từ đó, cho ra những sản phẩm lúa hữu cơ, lúa canh tác tự nhiên thực sự chất lượng (Lúa hữu cơ Ong Biển đạt 545 chỉ tiêu sinh hóa, có 2 hoạt chất MA, MB có tác dụng tốt đối với người tiểu đường, Gout; Lúa canh tác tự nhiên đạt giải nhất về quy trình sản xuất sạch tại Hàn Quốc và đã được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam...) đã gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước và các thị trường tiềm năng quốc tế (như: hệ thống siêu thị 7Eleven, US Mart, Queensland, Farmers Market, Co-op-Mart, 8S… và đã được một số thị trường Quốc tế quan tâm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc…). Ngoài ra, việc canh tác sạch đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng cũng như mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người sản xuất (hiệu quả mang lại gấp 1,2-1,5 lần so với canh tác thông thường).
image 20210705095925 1
 
Thu hoạch lúa hữu cơ ST24 tại HTX Phước Thị - Gio Linh
       Ông Nguyễn Văn Nam, Xã viên Hợp tác xã Quang Hạ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị: “Việc đầu tư sản xuất lúa hữu cơ vất vả hơn nhưng tạo ra giá trị cao hơn, giúp cải tạo môi trường sản xuất tốt hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn nước ít bị ô nhiễm, so với trước đây, lợi nhuận cao hơn, tương đương 1,5-2 triệu đồng/sào”
       Giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII chỉ rõ, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 1.000 ha lúa canh tác hữu cơ. Điều đó cho thấy, quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong việc đẩy mạnh sản xuất sạch, sản xuất bền vững, tạo bước đột phá trong tư duy sản xuất nhằm xây dựng một nền nông nghiệp xanh – sạch – bền vững.
Để đạt được điều đó, bên cạnh việc phát huy những tiềm năng lợi thế sẳn có Ngành Nông nghiệp và PTNT cần phải:
       Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có những quyết sách, chiến lược phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ mới nhằm hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn; Đề xuất ban hành các chính sách đặc thù để thu hút, thúc đẩy các Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản xuất sạch, bền vững, có chứng nhận và có giá trị gia tăng cao…;
        Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/4/2017 và các chính sách hiện hành; Phát huy những kết quả đạt được trong sản xuất nông sản hữu cơ, như mỡ rộng diện tích sản xuất nông sản hữu cơ, canh tác tự nhiên…
        Thứ ba, để duy trì và mỡ rộng các vùng nguyên liệu cần xúc tiến, mời gọi, huy động các nguồn lực từ các Doanh nghiệp, Dự án, các tổ chức hợp tác, liên kết, đầu tư sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, xây dựng các Nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn…đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng đủ để xuất khẩu.
         Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường;
        Thứ năm, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trên địa bàn, trở thành cầu nối quan trọng và hiệu quả trong chuyển giao, tiếp cận chính sách, tiến bộ khoa học công nghệ của các cơ quan chuyên môn với người sản xuất… và nhất là việc đẩy mạnh liên kết 6 nhà trong sản xuất lúa gạo tỉnh nhà.
         Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới, cũng như xu thế phát triển của các thị trường tiềm năng, việc phát triển xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên không đơn thuần là tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, từng bước xây dựng thương hiệu "GẠO HỮU CƠ QUẢNG TRỊ" mà là điểm nhấn sắc nét trong bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nguyễn Ngọc Thạch - Phòng KHTC- Sở NN & PTNT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây