MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC KIỂM SOÁT GIẾT MỔ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ

Thứ năm - 08/12/2022 21:01
Kiểm soát giết mổ động vật (KSGM ĐV) là việc kiểm tra tình hình dịch bệnh động vật trước và sau khi giết mổ. KSGM là một trong những nhiệm vụ chính của viên chức và người lao động trạm Chăn nuôi và Thú y (CNTY) thành phố Đông Hà. Công tác KSGM được thực hiện tốt không những hạn chế được sự phát tán của mầm bệnh do việc giết mổ ĐV bị bệnh, chết gây ra mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. KSGM tốt cũng là một trong những giải pháp làm tăng nguồn thu cho đơn vị để đảm bảo đời sống, việc làm cho những lao động hợp đồng của Chi cục.
         Trên địa bàn thành phố, mỗi ngày có  khoảng 140 con lợn, 8 con trâu, bò và trên 750 con gia cầm được giết mổ tại lò mổ tập trung. Bên cạnh đó còn có khoảng 1,5 tấn thịt lợn và 1,2 tấn thịt bò được đưa từ các địa phương khác tới, nhưng đa số chủ hàng không khai báo với cơ quan quản lý vì vậy công tác KSGM ĐV trên địa bàn thành phố luôn được cán bộ Trạm chú trọng. 
         Đánh giá về công tác KSGM hiện nay, có thể nói hầu hết ĐV đưa vào lò mổ tập trung đều được tập kết, nuôi nhốt tại các ô chuồng trước khi giết mổ vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh của những ĐV này hết sức thuận lợi. Các lò giết mổ tập trung đã được nâng cấp sữa chữa, phần nào hạn chế được sự ô nhiễm môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên nên nhiều đối tượng vi phạm trong lĩnh vực KSGM đã bị xử lý qua đó đã hạn chế được số sản phẩm động vật (SPĐV) không qua KSGM lưu thông trên thị trường.
        Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác KSGM trên địa bàn thành phố cũng còn có những khó khăn nhất định đó là: Hiện nay các lò giết mổ gia súc tập trung đều quá tải, việc giết mổ ĐV đều thực trên nền nhà, chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhưng việc xây mới lò mổ tại địa điểm được quy hoạch của thành phố vẫn chưa được triển khai. Công tác KSGM được thực hiện nghiêm ở các lò mổ, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn một vài cá nhân giết mổ gia súc tại những địa điểm không được cơ quan quản lý cho phép. Việc tổ chức đoàn kiểm tra liên nghành để xử lý đối với những cá nhân này có những hạn chế nhất định bởi chỉ riêng cán bộ trạm CNTY thì không thể thực hiện được. Để khám xét, xử lý tang vật tại chỗ trong khuôn viên nhà ở của những cá nhân này cần nhiều cơ quan, ban ngành phối hợp (đó là chính quyền địa phương, lực lượng công an và cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm,... ).
Để làm tốt công tác KSGM thời gian qua trạm CNTY thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao:
        1. Trước hết đó là việc chấp hành nghiêm thời gian lao động đối với cán bộ làm công tác KSGM. Do có tính đặc thù, việc giết mổ ĐV trên địa bàn thành phố thường được thực hiện từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, do vậy cán bộ làm công tác KSGM phải có mặt trước lúc giết mổ không chỉ để kiểm tra sống đối với ĐV mà còn đáp ứng yêu cầu lăn dấu của các chủ giết mổ. Nhằm khắc phục tình trạng ngủ quên ở nhà, để sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường không được kiểm tra, đóng dấu, cán bộ trạm khi thực hiện nhiệm vụ KSGM đều đến lò mổ từ lúc 7 giờ tối, kiểm tra tình hình dịch bệnh ĐV giết mổ và ngủ lại ở phòng làm việc tại lò mổ.      
          2. Thực hiện đúng quy trình KSGM đó là kiểm soát dịch bệnh ĐV trước và sau khi giết mổ.
- Trước khi giết mổ nếu phát hiện ĐV có triệu chứng của dịch bệnh hoặc bị chết, cán bộ làm công tác KSGM sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định.
- Sau khi giết mổ nếu phát hiện thịt, phủ tạng động vật có màu sắc không bình thường, có dấu hiệu bệnh lý, không đảm bảo yêu cầu VSTY thì cán bộ làm công tác KSGM sẽ tiến hành xử lý bằng các biện pháp như tạm dừng giết mổ, giết mổ ở khu vực riêng, giết mổ bắt buộc, tiêu hủy bắt buộc hoặc chuyển mục đích sử dụng theo quy định.
 - Sau khi thực hiện việc KSGM ĐV tại lò mổ, cán bộ trạm lập tổ công tác ít nhất là 03 người để kiểm tra việc mua bán SPĐV ở các chợ ở trên địa bàn. Nếu phát hiện thịt ĐV không có dấu KSGM hoặc tem VSTY thì sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cho các đơn vị, phòng ban có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
          3. Đảm bảo thu đúng, thu đủ phí KSGM theo quy định
Việc thu phí KSGM là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với cán bộ làm công tác này bởi nó tác động đến lợi ích kinh tế của các chủ giết mổ. Không ít chủ giết mổ tìm cách trốn tránh, thiếu hợp tác trong việc nộp phí theo quy định. Để thực hiện thu đúng, thu đủ, đúng thời gian quy định cán bộ làm công tác KSGM phải luôn mang trang sắc phục của ngành, hết sức công tâm và nghiêm túc trong khi thực hiện nhiệm vụ.
          Đối với những chủ gia súc cố tình trốn tránh, thiếu hợp tác, Lãnh đạo trạm sẽ lập tổ kiểm tra phối hợp với Ban quản lý chợ, tạm dừng việc mua bán cho đến khi chủ giết mổ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn xử lý theo pháp luật đối với những chủ giết mổ không thực hiện nghiêm việc nộp phí, cán bộ trạm luôn làm tốt công tác dân vận, tạo mối quan hệ đồng thuận với các chủ giết mổ qua đó việc thu phí đã bớt căng thẳng và đến nay công tác thu phí đã đi vào nề nếp đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định.
Nguyễn Văn Bàn - Trạm CN và TY TP Đông Hà
 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây