TRÁI NGỌT TỪ NỔ LỰC THỰC HIỆN MÔ HÌNH TRỒNG CAM ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM NĂM 2018 CỦA DỰ ÁN KNTW TẠI XÃ CAM THÀNH, CAM LỘ

Thứ ba - 04/10/2022 03:22
Trở lại vườn sau 4 năm từ khi triển khai mô hình trồng cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi được vợ chồng chị Hoàng Thị Mỹ Châu, anh Đào Văn Khánh ở thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đón tiếp một cách niềm nở vui tươi và phấn khởi bởi đây là vụ thu hoạch đầu tiên, là kết quả đầu tay của mô hình trồng cam thuộc Dự án KNTW được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện và hỗ trợ kinh phí cũng như chuyển giao kỹ thuật thâm canh từ năm 2018.
TRÁI NGỌT TỪ NỔ LỰC THỰC HIỆN MÔ HÌNH TRỒNG CAM ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM NĂM 2018 CỦA DỰ ÁN KNTW TẠI XÃ CAM THÀNH, CAM LỘ
           
image 20221004142556 1
 Mô hình thâm canh cây cam ở xã Cam Thành - Cam Lộ
Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm KN Quảng Trị, gia đình anh chị anh Khánh đã mạnh dạn chuyển đổi 1,2 ha đất trồng cây công nghiệp, trồng tiêu không có hiệu quả sang mô hình trồng cam, đây là mô hình trong chuỗi Dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương năm 2018-2019.
          Trước khi triển khai  mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức cho nông dân tham quan trực tiếp từ những vùng trồng cam trọng điểm của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và tiến hành các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua các lớp tập huấn đã chuyển giao những kiến thức cần thiết về quy trình sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng hữu cơ. Quá trình triển khai mô hình Trung tâm đã hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư gồm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Cử cán bộ chỉ đạo kỹ thuật hướng dẫn hộ tham gia mô hình thực hiện từng khâu trong quá trình triển khai. Mô hình này phù hợp với chủ trương định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng.
          Tại điểm thực hiện mô hình ở xã Cam Thành huyện Cam Lộ, với quy mô 1,2 ha của gia đình anh Khánh trồng hơn 800 gốc cam Vân Du, Xã Đoài, V2, sau 3 năm kiến thiết cơ bản, đến năm 2022 bước vào năm kinh doanh đầu tiên đã cho thấy sự thích ứng và phù hợp của những giống cam này với điều kiện thời tiết và đất đai của địa phương, vì thế những cây cam đã cho quả trĩu nặng, ngọt thanh . Không thể kể hết những khó khăn ban đầu của mô hình từ việc quy hoạch chuyển đổi đất trồng đến kỹ thuật canh tác, vốn đối ứng vật tư, xây dựng giếng khoan, lựa chọn công nghệ tưới khoa học tiết kiệm, thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí đầu tư chăm sóc của gia đình. Đó là năm 2019 nắng hạn kéo dài, cần sự nổ lực chăm sóc của anh chị để cho cây con bước qua được sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng.                 Đó là những ngày cuối tháng 10 năm 2020 mưa lũ lịch sử kéo dài, đất đai ngấm nước lâu ngày, độ ẩm tăng cao làm cho cây suy giảm khả năng chống chịu và sinh trưởng. Bước qua năm 2021, năm vườn cam cho quả bói đầu tiên nhưng số lượng cam trên những cây cho bói đã rụng hết toàn bộ sau một diễn biến thời tiết đột ngột từ nắng gắt chuyển sang mưa kéo dài. Bên cạnh đó là sự khó khăn khi giá cả vật tư phân bón leo thang trong khi cây cam chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh doanh cần phải đầu tư thâm canh chăm sóc nhiều, bao nhiêu khó khăn chồng chất nhưng gia đình anh chị vẫn không từ bỏ mà càng cố gắng nổ lực để chăm sóc cho đến ngày hôm nay. Để đảm bảo thâm canh bền vững, an toàn VSTP,  gia đình anh chị đã chịu khó tìm nguồn phân bón hữu cơ từ trang trại gà, bò mua với số lượng lớn để xử lý, ủ phân hữu cơ vi sinh làm nguồn phân bón tại chổ mang lại lợi ích kép cho mô hình vừa giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường vừa nâng cao chất lượng nông sản khi sử dụng nguồn phân hữu cơ để canh tác theo mục tiêu của Dự án ban đầu và theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị.
        Vừa  hái những quả cam mọng nước, chị Châu giãi bày: “ Trồng cam vất vả lắm, từ chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh bón phân làm cỏ, từ khi ra hoa, nuôi quả đến giai đoạn chín, thời tiết thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh gây hại tốt, như vậy vụ mới thành công một phần. Chị Châu cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, cây ra hoa đậu trái đồng đều,  cam sinh trưởng phát triển khỏe, đến thời điểm hiện tại sau 4 năm trồng cây cao từ 2,2-2,5m, đường kính gốc từ 15-17cm, tháng 9 năm nay bắt đầu thu hoạch lứa đầu với khoảng 70% số cây cho quả, trong đó nhiều  cây rất sai quả với hơn 200 quả/cây, thương lái thu mua tận vườn, hoặc bán cho những đơn đặt hàng, nếu thời tiết thuận lợi, năm đầu chu kỳ kinh doanh sản lượng ước tính khoảng 4,5-5 tấn, giá bán tại vườn 20.000đồng/kg cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng. Tuy năng suất chưa cao nhưng vụ kinh doanh đầu tiên đây là tín hiệu đáng mừng đối với gia đình anh chị vì đó là kết quả, là trái ngọt của cả một quá trình để tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
         Trong những vụ tiếp theo, gia đình anh chị dự định sẽ nâng cấp hệ thống tưới để bảo cung cấp lượng nước đầy đủ vào mùa khô hạn cho toàn bộ diện tích cam trong vườn, cùng với đó sẽ tiếp tục đầu tư vật tư phân bón, duy trì phát huy những kỹ thuật đã thực hiện tốt, đồng thời sẽ tiếp thu thực hiện những khâu còn hạn chế và chưa có kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc của vụ vừa qua như bổ sung vi lượng cho cây qua các loại phân bón lá hoặc chế phẩm để hạn chế cây thiếu vi chất dẫn đến rụng quả non, nứt quả trên cây, vấn đề đang còn tồn tại của vườn.
           Trao đổi với hộ gia đình, chúng tôi chia sẻ và lưu ý với 1 số vấn đề kỹ thuật về chăm sóc cây cam sau khi hộ thu hoạch xong để có một vườn cam đảm bảo năng suất và chất lượng như tỉa cành tạo tán, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cụ thể một số công việc quan trọng sau: 2-3 tuần sau thu hoạch cắt tỉa cành, tạo tán, cây cam cho trái ở chồi cành, nếu không cắt tỉa cây sẽ ra lại tược cũ và không cho ra nhiều tược, dẫn đến những vụ sau cây không ra nhiều trái. Bên cạnh đó, phải bón phân bổ sung chất dinh dưỡng bồi bổ cho bộ rễ phát triển và cho thân cây dự trữ lại năng lượng, để từ đó cây cho ra lá non mới. Chọn các loại phân bón hữu cơ để cây được phục hồi sức và tạo năng suất cho vụ mùa tiếp theo. Để giúp vườn cây trồng phát triển tốt, cần ưu tiên bón phân chuồng đã qua xử lý. Để ngăn ngừa các loài sâu bệnh hại nên sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma  nhằm phòng ngừa sớm và kịp thời các loại nấm gây hại.
          Nếu chăm sóc tốt bằng các biện pháp cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng, dọn vệ sinh làm cỏ sạch kết hợp với bón phân hữu cơ thì khả năng cây bị nhiễm sâu bệnh hại rất thấp, cây có khả năng chống chịu lại các loài sâu bệnh hại, vườn cây khỏe, ít rụng trái cho năng suất cao vào vụ sau.
Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của huyện Cam Lộ đã nêu về các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó có tập trung sản xuất các loại cây ăn quả có tính chất hàng hóa. Vì vậy việc phát triển cây cam, loại cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất sẽ là hướng đi đúng đắn của người nông dân.
Lê Tú, Dương Hồng Phong - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây