Tháo gỡ khó khăn cho các Hợp tác xã trong thời điểm đại dịch Covid -19

Thứ hai - 14/02/2022 02:56
Đại dịch Covid – 19 hoành hành từ đầu năm 2021 đến nay nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Hợp tác xã (HTX) gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đơn vị đã phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khiến thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm đáng kể
sơ chế chanh leo tại HTX Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh
sơ chế chanh leo tại HTX Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh
Đang chuẩn bị gạo để giao cho các đơn hàng trên địa bàn huyện Triệu Phong, Giám đốc HTX Nông sản sạch Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt bộc bạch, nếu như năm 2020 HTX xuất bán cho hệ thống cửa hàng Vitamart ở thành phố Đà Nẵng gần 150 tấn lúa, các cửa hàng nông sản sạch và Trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… gần 200 tấn thì từ đầu năm 2021 đến nay, HTX chỉ mới xuất bán được hơn 50 tấn lúa, còn tồn dư gần 70 tấn. Nguyên nhân là do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa đi các địa phương đang áp dụng giãn cách, cách ly xã hội gặp rất nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển cao, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm sút khá lớn. Để hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm, hiện tại, Liên đoàn lao động huyện Triệu Phong đã kêu gọi, vận động người lao động trên địa bàn huyện tiêu thụ được hơn 30 tấn gạo với giá 20.000 đồng/kg. Ông Đạt cho biết thêm, đến thời điểm này toàn bộ diện tích hơn 45 ha sản xuất lúa hữu cơ và lúa canh tác tự nhiên vụ Hè Thu của HTX đều đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, HTX chỉ mới xuất bán được 32 tấn lúa tươi giống ST25 theo hợp đồng với Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Đối với số lúa đã thu hoạch còn lại, mặc dù hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nhưng HTX vẫn thu mua với giá đã cam kết với xã viên từ đầu năm là 9.500 đồng/kg. “Ngoài nguồn vốn của HTX, chúng tôi đã phải huy động kinh phí từ cá nhân các thành viên trong Ban quản trị để duy trì hoạt động của HTX. Hy vọng từ nay đến cuối năm dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát, các địa phương đang thực hiện giãn cách sẽ mở cửa trở lại. Nếu không, không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX sẽ gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” mà HTX đã dày công gây dựng”, ông Đạt chia sẽ.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Hạnh, Giám đốc HTX Tây Vĩnh Thủy cho biết, HTX  được Công ty Nafoods Tây Bắc ký hợp đồng làm đại lý thu mua, phân loại, sơ chế chanh leo tại tỉnh Quảng Trị và các địa phương lân cận. Năm 2020, HTX đã thu mua, sơ chế được gần 500 tấn quả chanh leo, mang lại doanh thu gần 3 tỉ đồng. Tạo việc làm cho việc làm cho từ 10 – 15 lao động với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, năm 2021 này, do ảnh hưởng của COVID-19 làm việc thu mua, sơ chế và vận chuyển sản phẩm quả chanh leo đã được phân loại về kho của Công ty tại Hà Nội và Gia Lai gặp nhiều rất nhiều khó khăn. Thời gian vận chuyển dài, cước phí tăng cao. Mới đây nhất, sau khi đi thu mua quả chanh leo trở về, do có đi qua địa phương đang có dịch anh buộc phải đi cách ly tập trung 14 ngày. “COVID-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ của HTX, sản xuất bị đình trệ. Thu nhập của người lao động cũng bị giảm sút nghiêm trọng”, anh Hạnh nói.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, COVID-19 đã làm các HTX sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo (HTX Nông sản sạch Triệu Phong), rau quả (HTX Đông Thanh), một số mặt hàng như miến (Cơ sở Miến Loan Hảo), mì sợi… giảm sản lượng tiêu thụ đến 50% do thị trường của những đơn vị này hầu hết ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… hiện đang giãn cách xã hội nên các đại lý, siêu thị nông sản sạch đóng cửa và không nhập được hàng của HTX. Mặt khác, đây là là những sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP nên giá bán cao trong khi người dân ở những địa phương đang chịu ảnh hưởng của COVID-19 có tâm lý giảm mua hàng chất lượng cao. Dẫn đến hàng hóa của HTX bị ứ đọng, không tiêu thụ được, làm giảm doanh thu, việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Đối với các HTX dược liệu, do các cửa hàng, đại lý phân phối buộc phải đóng cửa nên việc tiêu thụ hàng hóa đã giảm gần 70%. Ngoài ra, do phương tiện đi lại khó khăn nên chí phí vận chuyển tăng cao. Việc ký hợp đồng thu mua nguyên liệu của người dân khó thực hiện do nhu cầu sản xuất giảm sút, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của HTX và thu nhập của người dân. Một số HTX chăn nuôi, trang trại chăn nuôi lớn giảm doanh thu khoảng 30 – 40% do các trường học nghỉ học, các nhà hàng, khách sạn ngừng hoạt động, khách du lịch và khách lưu trú giảm sút. Chi phí vận chuyển các vật tư như con giống, thức ăn… và sản phẩm chăn nuôi tăng cao. Các HTX sản xuất và kinh doanh cà phê, hồ tiêu cũng giảm doanh thu lên đến 70% do thị trường không xuất khẩu được; các nhà hàng, quán cà phê tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An… đóng cửa do giãn cách xã hội. Các HTX ở huyện Hướng Hóa phát triển theo hướng kết hợp du lịch cộng đồng như HTX Nông nghiệp Tân Hợp, HTX cà phê đặc sản Sary, HTX Công bằng Sa Mù… gặp khó khăn trong hoạt động do lượng khách du lịch giảm sút. Ngoài ra, một số HTX cung cấp dịch vụ đầu vào như giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho thành viên cũng gặp khó khăn khi giá nông sản bấp bênh, giảm thấp, việc thu hồi nợ trong dân gặp trở ngại, gây khó khăn cho tái đầu tư. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Minh Trí thông tin, không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà COVID-19 còn làm một số hoạt động của HTX chậm triển khai thực hiện như tổ chức Đại hội thường niên trễ hơn so với các năm trước.Công tác xúc tiến thành lập mới HTX cũng gặp khó khăn do công tác tập hợp, vận động tuyên truyền thành viên và tổ chức các hoạt động tập huấn, xúc tiến thành lập mới bị đình trệ. Ngoài ra, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp cũng đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợquảng bá và bán sản phẩm của các HTX.
Để trợ lực cho các HTX phát triển, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên theo ghi nhận, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước dành cho HTX còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Mặc khác, một số chính sách do Trung ương chưa có quy định về nguồn kinh phí dành riêng để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Dẫn đến các địa phương thiếu cơ sở để phân bổ nguồn lực hỗ trợ triển khai thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các Chương trình, dự án nên việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các HTX và chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ông Hoàng Minh Trí đề xuất, nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX sản xuất kinh doanh trong và sau khi dịch bệnh ổn định, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX tập trung vốn sản xuất. Kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác, nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong việc quảng bá giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua internet, các trang thương mại điện tử. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí cho lĩnh vực HTX nông nghiệp, nhất là các HTX kiểu mới, HTX công nghệ cao, HTX sản xuất, kinh doanh theo liên kết chuỗi trong giai đoạn bị ảnh hưởng do COVID-19 và sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trần Thị Thúy – TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây