Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trịhttp://khuyennong.quangtri.gov.vn/uploads/baner1.png
Thứ tư - 10/08/2022 03:59
Xã Trung Giang là một xã vùng ven biển bãi ngang, có diện tích đất nông nghiệp xấp xỉ 170 ha, với thành phần đất cát trắng, chủ yếu trồng một số loại cây ngắn ngày truyền thống như khoai lang địa phương, lạc, rau màu, đậu đỗ, hầu hết các loại cây trồng đều có hiệu quả thấp; Nguyên nhân khách quan dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp là do đất cát kém màu mỡ, khả năng giữ phân giữ nước kém, bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do phương pháp canh tác thiếu khoa học như chưa cải tạo được độ màu mỡ của đất, ít đầu tư phân bón, nhất là phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh, sử dụng nguồn giống có sản phẩm đầu ra khó đáp ứng thị trường tiêu thụ, trong đó giống khoai lang địa phương là loại cây trồng điển hình nhất tại địa phương; Xuất phát từ thực trạng nói trên, vụ Đông Xuân 2021-2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, trạm Khuyến nông Gio Linh đã phối hợp với UBND xã Trung Giang, triển khai thực hiện mô hình sản xuất khoai lang ruột vàng thương phẩm trên cát, địa điểm bố trí mô hình tại thôn Hà Lợi Trung xã Trung Giang, huyện Gio Linh; Để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, Trạm Khuyến nông Gio Linh đã phối hợp với UBND xã Trung Giang và thôn Hà Lợi Trung, tiến hành triển khai thực hiện các nội dung sau đây:
Tổ chức điều tra, khảo sát, chọn điểm, chọn hộ phù hợp bố trí mô hình, tổng diện tích 2,0 ha; Thống nhất sử dụng giống khoai lang ruột vàng KL20-209, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thay cho giống khoai lang địa phương hiện nay có năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp; Thiết kế xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất khoai lang ruột vàng trên vùng đất cát một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương; Cải tạo và nâng cao độ màu mỡ của đất cát, hạn chế sự nhiễm mặn và thoái hóa đất trong quá trình sản xuất; Sử dụng các loại phân bón hữu cơ như: phân chuồng hoai mục, phân xanh, phân hữu cơ vi sinh, nhằm nâng cao độ mùn trong đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây khoai lang sinh trưởng phát triển tốt; Tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện các khâu trong sản xuất như: nhân giống, làm đất, lên luống, trồng cây, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; Đánh giá kết quả mô hình, từng bước mở rộng diện tích sản xuất khoai lang hàng hóa trên vùng đất cát ven biển một cách bền vững.
Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện, thấy rằng: trên vùng đất cát ven biển vốn nghèo dinh dưỡng, nhưng được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nhất là tăng cường lượng phân chuồng hoai mục, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, nên đã làm tăng độ mùn của đất, cây sinh trưởng phát triển tốt; Giống khoai lang ruột vàng KL20-209 ít bị sâu bệnh, đặc biệt giống khoai có dạng thân hơi đứng, tỉ lệ thân bò lan thấp hơn so với giống khoai lang địa phương (Giống KL20-209 tỉ lệ thân bò lan 65%, giống khoai lang địa phương tỉ lệ thân bò lan trên 85%), nhờ vậy, nên hạn chế rễ phụ ở các đốt thân phát triển, mặt luống thông thoáng, quang hợp ánh sáng tốt hơn, thuận lợi trong quá trình hình thành và phát triển củ; Giống khoai lang ruột vàng KL20-209 thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương, củ có hình dạng thon dài, trọng lượng củ ở mức trung bình (Tập trung chủ yếu từ 0,2-0,4 kg/củ), kích thước không quá lớn, chất lượng ngon, phù hợp chế biến khoai gieo, nên được thì trường ưa chuộng; Năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha, tỉ lệ đồng đều củ đạt trên 85%, ít bị bọ Hà gây hại; Mô hình khoai lang ruột vàng KL20-209 mang lại lợi nhuận cao, ước tính đạt 91,0 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng khoai lang địa phương 30,0 triệu đồng/ha;
Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với giống khoai lang địa phương, tuy nhiên qua vụ sản xuất, cũng đã rút ra một số kinh nghiệm và kết luân sau sau đây: đất chính vụ trồng khoai lang vùng ven biển bãi ngang phần lớn là vũng thấp trũng phải lên luống cao tránh ngập lụt; Đất cát thường nghèo dinh dưỡng và có tính rời rạc, khả năng giữ nước, giữ phân kém, nên tăng cường bón phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh, nhằm làm tăng độ mùn và kết cấu đất; Đa số đất trồng khoai lang lâu năm vùng ven biển đều bị nhiễm phèn, nên cần phải bón vôi để giảm bớt độ chua của đất, kết hợp khơi rãnh thoát phèn ra khỏi ruộng; Để chủ động nguồn giống, bà con nông dân có thể ươm giống khoai lang trên các chân đất cao không bị ngập lụt trong vườn nhà, thời điểm ươm giống trong vụ Thu Đông, bắt đầu trừ tháng 9 dương lịch hàng năm; Giống khoai lang ruột vàng KL20-209 có thời gian sinh trưởng phù hợp trong vụ Đông Xuân, thích nghi với đất đai và khí hậu địa phương, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao chất lượng tốt; Hiện nay sản phẩm khoai lang ruột vàng tiêu thụ khá dễ dàng, được thu mua ngay tại địa phương sau khi thu hoạch xong, tạo động lực thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất khoai lang hàng hóa; Từ kết quả của mô hình giúp người dân mạnh dạn khai thác tiềm năng thế mạnh trên vùng đất cát ven biển, lựa chọn, áp dụng, chuyển đổi giống mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay; Thông qua mô hình, giúp người dân nắm được quy trình kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất thâm canh giống khoai lang ruột vàng KL20-209 mang lại năng suất chất lượng hiệu quả kinh tế cao.