KINH NGHIỆM CHỈ ĐẠO VÀ VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI RỪNG GỖ NHỎ SANG RỪNG GỖ LỚN TẠI HUYỆN TRIỆU PHONG

Thứ tư - 10/08/2022 03:30
Huyện Triệu Phong hiện có 14.760,9 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 1.039,2 ha, rừng trồng 13.721,7 ha, tỷ lệ che phủ của rừng gần 40%, đây là lợi thế cho việc phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, dịch vụ, chế biên… và đặc biệt trên địa bàn huyện có diện tích rừng ngập mặn là tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
          Rừng trồng tập trung tại các xã vùng đồi Triệu Ái, Triệu Thượng, đây là vùng nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm sản trên địa bàn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho  khoảng 500 lao động với thu nhập ổn định, khối lượng sản xuất chế biến của các cơ sở đạt 121.000 tấn/năm.
          Trồng rừng, kinh doanh rừng gỗ lớn là giải pháp của ngành lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời đảm bảo chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường bền vững tạo nguồn nguyên liệu tập trung cho các cơ sở, tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp địa phương được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, khuyến khích.
          Để thực hiện hướng đi mới trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 07- NQ/HU của Huyện ủy Triệu Phong “Về  phát triển kinh tế- xã hội vùng gò đồi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. UBND huyện Triệu Phong ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương khuyến khích, mở rộng mô hình, làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Tăng cường kết hợp thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn nhân lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ để khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn. Hạt Kiểm lâm Triệu Phong đã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, UBND các xã chỉ đạo, hướng dẩn nhân dân trong việc thực hiện chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn từ việc chọn đúng đối tượng về loài cây, điều kiện lập địa, tuổi cây nguồn gốc giống và tình hình sinh trưởng của rừng trước khi tác động chuyển hóa. Giám sát, theo dỏi quá trình sinh trưởng phát triển của rừng, các chỉ số sinh trưởng về đường kính, chiều cao, trữ lượng, năng suất bình quân trên năm.
          Ban đầu triển khai trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, người dân không khỏi nghi ngờ về tính khả thi, bởi lâu nay phương thức trồng rừng gỗ nhỏ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động của các ban ngành đặc biệt là cán bộ Kiểm lâm địa bàn, cùng với sự hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông huyện, tỉnh về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, canh tác thông qua các buổi tập huấn, người dân đã dần hiểu và thấy được lợi ích của việc thâm canh rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn. Ông Nghĩa- Phó Giám đốc Hợp tác xã Thượng Phước, xã Triệu Thượng chia sẻ: HTX có 10ha rừng đang giai đoạn khép tán, chuẩn bị khai thác. Sau khi nghe cán bộ tuyên truyền về lợi ích và giá trị kinh tế của rừng gỗ lớn, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi 10ha sang rừng kinh doanh gỗ lớn. Tiến hành chặt tỉa thưa những cây gỗ nhỏ, còi cọc, sâu bệnh, sinh trưởng kém để lại khoảng 600 - 700 cây để lấy gỗ lớn. Gỗ tỉa thưa bán được 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí khai thác và chăm sóc rừng còn lại thu được 20 triệu đồng/ha".
          Nhờ được tuyên truyền sâu rộng và sự hỗ trợ của Dự án khuyến nông TW, tỉnh, người dân xã Triệu Ái, Triệu Thượng đã mạnh dạn tham gia chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Hiện nay, trên địa bàn đang thực hiện các mô hình sau: Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn keo lai nuôi cấy mô với diện tích 20 ha và mô hình chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích 10 ha tại thôn Thượng Phước - Triệu Thượng; Mô hình trồng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô với diện tích 12 ha và mô hình trồng thâm canh gỗ lớn keo lai nuôi cấy mô với diện tích 10,5 ha tại thôn Nhan Biều - Triệu Thượng; Mô hình trồng thâm canh gỗ lớn, cây keo tai tượng với diện tích 20 ha tại thôn Hà Xá - Triệu Ái …
          Qua thực tế triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Triệu Phong, đã có một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao, cụ thể rừng trồng keo trên cùng lập địa, nếu 5 tuổi khai thác là rừng trồng gỗ nhỏ chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60-75 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 240m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính từ 15-25cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120m3/ha. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8 - 2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu/ ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.
         Có thể khẳng định, chuyển đổi trồng rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế lâm nghiệp địa phương làm động lực thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện trồng rừng, sản xuất, chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
          Một điều quan trọng trong việc thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao diện tích rừng trồng gỗ lớn trên toàn địa bàn huyện đó là công tác tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của người dân tham gia. Chỉ khi nào người dân tham gia, hiểu biết, nhận thức giá trị thực của rừng trồng gỗ lớn, thay đổi tư duy tích cực hưởng ứng thì hướng đi phát triển kinh tế lâm nghiệp từ rừng trồng gỗ lớn của huyện Triệu Phong thành công tốt đẹp.
Bùi Công Phú- Hạt Kiểm lâm Triệu Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây