Trong không khí phấn khởi được mùa lúa Vụ Đông Xuân của bà con xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa , chúng tôi được anh Hồ Văn Linh – Bí thư xã Đoàn xã Hướng Việt dẫn đến thăm một gia đình của đôi vợ chồng trẻ tại thôn Xa Đưng, đó là gia đình của anh Hồ Văn Ngui và chị Hồ Thị Đông. Anh Linh cho biết: “Trước đây, anh Ngui sinh ra trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh rất khó khăn, sau khi lập gia đình từ hai bàn tay trắng, anh cùng vợ đã tích cực tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm, chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó thu nhập của gia đình anh Ngui đã khởi sắc từng ngày và trở thành một hộ có điều kiện kinh tế khá trong thôn. Anh Ngui là một trong những tấm gương điển hình của thanh niên làm kinh tế giỏi ở xã”. Cũng theo lời kể của các bà con trong bản: vợ chồng anh Ngui là những người cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Hằng ngày, sau khi đưa con đến trường, anh Ngui lại đưa đàn dê lên các bải cỏ gần các chân núi cho ăn, đến tối thì mới lùa về chuồng. Mùa rét, không thả dê được thì anh tủ kín chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ để nhốt dê vào chuồng và lên rừng kiếm lá về cho dê ăn. Nhờ biết cách chăm sóc nên đàn dê của nhà anh sinh sản ra ngày càng nhiều. Trong đợt thiên tai mưa lũ năm vừa qua cả xã đều bị ngập lụt nhưng nhờ chuồng dê của anh thiết kế chắc chắn, cao ráo nên đàn dê nhà anh đã tránh được phần nào thiệt hại do lũ gây ra.
Anh Hồ Văn Ngui bên đàn dê của mình.
Đến nhà, chúng tôi được anh Ngui dẫn ra tham quan chuồng dê, vừa đi anh vừa kể: “Những năm trước đây, thiếu kinh nghiệm sản xuất, gia đình tôi chỉ đốt rẫy, làm nương ăn không đủ. Năm 2018, nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội cộng với vốn vay mượn của bà con, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mua 6 con dê để nuôi với mong sẽ đa dạng thêm nguồn sinh kế cho gia đình, để có thêm tiền nuôi con cái. Tuy nhiên, lúc mới bắt đầu tôi cũng vẫn chăn nuôi theo tập quán cũ, như chăn nuôi trâu bò, thả rông tự do nhờ trời, sáng cứ thả dê ra, chiều chúng tự tìm về, dê không có chuồng trại, không được bảo vệ, chăm sóc nên chậm phát triển, chậm tăng đàn. Dê ngủ ngay dưới sàn nhà nên có con thì bị chó cắn gây thương tật, có con thì bị dịch bệnh chết. Sau 6 tháng nuôi đàn dê nhà tôi bị mất và chết chỉ còn lại 4 con. Tôi nhận thấy, chăn nuôi với tập quán cũ thì sẽ không thành công mà có nguy cơ ngày càng nghèo thêm”. Anh cười và nói tiếp: “Sau đó, qua tham dự các lớp tập huấn được tổ chức tại xã, tôi đã đã học hỏi thêm nhiều kỹ thuật trong chăn nuôi. Tôi nhờ anh em bạn bè hàng xóm chặt cây dựng chuồng làm nơi ở cho 4 con dê còn lại. Nhờ được chăm sóc cẩn thận mà đàn dê nhà tôi dần hồi phục và phát triển tốt”. Qua nhiều năm trau dồi kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, anh Ngui đã dành phần lớn thời gian, tâm huyết vào đàn dê. Đàn dê nhà anh sinh sản ngày càng nhiều, phát triển đàn khá nhanh. Từ 3 con dê cái và 1 con dê đực ban đầu còn lại, giờ đây, đàn dê của anh đã phát triển lên rất nhiều, chưa kể dê đực và dê con, chỉ riêng dê cái sinh sản đã lên đến 30 con, bình quân mỗi năm một con dê cái sinh sản khoảng 2-4 dê con, chăm sóc tốt sau 4-5 tháng thì dê có thể đạt trọng lượng từ 25-30 kg. Hàng năm, gia đình anh Ngui xuất chuồng dê thịt khoảng 15-20 con, chủ yếu là dê đực. Với giá dê hơi từ 140-150.000đồng/kg anh thu về hơn 50-60 triệu đồng/năm.
Anh Ngui chia sẻ thêm: “Ưu điểm của dê là ăn khỏe, chủ yếu là cỏ, lá cây trong rừng, khả năng tăng đàn nhanh và dê thịt rất dễ tiêu thụ. Do đó, ở miền núi, chúng ta có thể tận dụng lợi thế về địa hình đồi dốc, có bìa rừng rộng lớn, nhiều cây cối, để phát triển chăn nuôi dê. Tuy nhiên, dê là loài vật không chịu được độ ẩm cao, có tính khí ưa chạy nhảy và hiếu động. Chúng rất nhanh nhẹn và di chuyển rất nhanh trong khi kiếm ăn. Nên chúng ta phải đầu tư làm chuồng trại, trồng thêm cỏ để nuôi nhốt dê tại chuồng vào mùa đông, những ngày trời mưa rét. Khi thả ra đồi thì phải có người đi theo chăn giữ để tránh phá hoại mùa màng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương”.
Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, anh Ngui hồ hởi nói: “Thời gian tới, với số vốn tích cóp được, cùng với việc tìm thêm các kênh vay vốn ưu đãi cho phát triển sản xuất tại địa phương, tôi sẽ đầu tư chuồng trại kiên cố hơn, trồng thêm 2 sào cỏ, mở rộng quy mô nuôi dê”.
Với suy nghĩ không để cái nghèo đeo bám, bằng ý chí và nghị lực của mình, gia đình anh Hồ Văn Ngui đã vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên làm giàu chính đáng. Có thể nói, gia đình anh xứng đáng là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Trương Vy Hùng - Trạm KN Hướng Hóa