TRỒNG NGÔ SINH KHỐI, HƯỚNG ĐI MỚI TRONG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT LÚA THIẾU NƯỚC VỤ HÈ THU

Thứ hai - 22/08/2022 21:32
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết có nhiều thay đổi, không theo quy luật gây ảnh hưởng rát lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vụ hè thu nhiều diện tích ở các dịa phương không đủ nước tưới nên phải bỏ hoang hoặc trồng lúa hiệu quả thấp. Theo số liệu thống kê, hàng năm, vụ hè thu toàn tỉnh có gần 2.000 ha diện tích đất lúa không đủ nước tưới để sản xuất, tập trung tại một số vùng các huyện như Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong...
        Những vùng đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu này gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lúa, cây sinh trưởng phát triển kém, năng suất thấp, sâu bệnh hại nhiều nên sản xuất bị thua lỗ. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước này sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp như đậu xanh, dưa hấu, ngô lấy hạt... có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, vụ Hè Thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện Mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước, liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị để tiêu thụ sản phẩm. Với mục đích chuyển đổi đất lúa thiếu nước trong vụ Hè Thu sang sản xuất ngô sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, luân canh cây trồng hạn chế sâu bệnh. 
 
cánh đồng ngô
Cán bộ, nông dân tham quan mô hình ngô sinh khối         
Mô hình triển khai với quy mô 10ha, tại 2 xã Phong Bình (5ha/25 hộ) và Linh Trường (5ha/40 hộ), thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình xã Phong Bình 50% kinh phí và xã Linh Trường 70% kinh phí mua giống và vật tư phân bón và liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồngthu mua với cơ sở 100% sản lượng ngô sinh khốinguyên cây, nguyên bắp khi cây giai đoạn chín sáptại ruộng với giá 1.000đ/kg.
Ngoài ra cán bộ kỹ thuật đã triển khai các lớp tập huấn, và luôn theo sát chỉ đạo tại hiện trường theo phương châm bắt tay chỉ việc từ khâu làm đất, gieo hạt đến chăm sóc phòng trừ sâu bệnh để mô hình đạt kết quả cao.
 
Ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết mô hình trồng ngô sinh khối thành công như mong đợi
Ông Trần Cẩn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông QT phát biểu tại hội nghị
     Mặc dù việc triển khai thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn, đầu vụ xảy ra mưa làm lớn ảnh hưởng đến tiến độ làm đất và gieo trồng; tại xã Linh Trường, địa hình ruộng bậc thang, có sự chênh lệch lớn về độ cao giữa các chân đất, các hộ dân tham gia mô hình đều là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí hạn chế; đặc biệt đây là mô hình được triển khai thực hiện lần đầu tiên trên địa bàn, nên bà con còn nhiều e ngại, chưa mạnh dạn chuyển đổi.... nhưng với sự động viên, quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ban ngành trên địa bàn cộng với sự nỗ lực của các hộ dân đến nay đạt kết quả bước đầu rất khả quan, ngô đã chuẩn bị đến ngày thu hoạch, năng suất ngô sinh khối ở xã Phong Bình ước tính đạt 65 tấn/ha, còn ở xã Linh Trường do một số yếu tố bất lợi, năng suất dự kiến đạt 55 tấn/ha.Khi nông dân thu hoạch, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thu mua toàn bộ sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg. Sau gần 3 tháng trồng, chăm sóc, trừ tất cả chi phí, mỗi ha ngô sinh khối người dân lãi từ 15 - 25 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Đối với xã Linh Trường, lợi nhuận mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước đã mang lạiđáng kể, tránh bỏ hoang đất, tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho bà con đồng bào thiểu số.
        Với nét mặt rạng rỡ, chị Hồ Thị Hoa thôn Ba De xã Linh Trường hồ hỡi chia sẽ “Trồng ngô sinh khối việc nhẹ,tranh thủ được thời gian, phụ nữ, người già, trẻ em đều làm được nên bà con rất phấn khởi. Cảm ơn Trung tâm khuyến nông tỉnh và công ty đã cho chúng tôi công việc, kiếm ra tiền có thêm thu nhập”.
        Anh Hồ Văn Quyết – Trưởng thôn Ba De, xã Linh Trường cũng là trưởng nhóm trồng ngô sinh khối tại đây cho biết, thôn có 104 hộ dân nhưng có đến 54 hộ nghèo. Thường niên, cứ vào vụ Hè Thu ruộng lúa đều bỏ hoang cho cỏ mọc vì thiếu nước tưới, không thể sản xuất. Phụ nữ ở thôn, người khoẻ thì dầm mưa dãi nắng làm nghề bóc vỏ cây tràm để kiếm tiền. Những người già yếu thì chỉ biết ở nhà, thất nghiệp.Vì vậy, khi nghe Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và Tổng công ty Thương mại Quảng Trị về triển khai mô hình trồng ngô sinh khối tại địa bàn, những hộ dân trong thôn chúng tôi đủ điều kiện tham gia mô hình đã đăng ký ngay, đến nay đã có thu nhập khá cao.
Với nét mặt rạng rỡ, chị Hồ Thị Hoa thôn Ba De xã Linh Trường hồ hỡi chia sẽ “Trồng ngô sinh khối việc nhẹ,tranh thủ được thời gian, phụ nữ, người già, trẻ em đều làm được nên bà con rất phấn khởi. Cảm ơn Trung tâm khuyến nông tỉnh và công ty đã cho chúng tôi công việc, kiếm ra tiền có thêm thu nhập”.
           Ông Lê Nhật Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, nhiều năm qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều loại cây trồng cạn trong vụ Hè Thu nhưng chưa hiệu quả. Chỉ khi trồng ngô sinh khối mới mang lại thu nhập cao, bà con dễ dàng thực hiện. Vì vậy, đây là hướng đi đúng, đem lại công việc, giúp xoá đói giảm nghèo cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hợp tác và hỗ trợ, mở rộng diện tích để người dân có thu nhập. 

           
Bà con nông dân xã Linh Trường huyện Gio Linh thu hoạch ngô sinh khối
Bà con xã Linh Trường huyện Gio Linh đang thu hoạch ngô sinh khối
Với anh Trần Văn Bình, tổ trưởng Tổ hợp tác Lễ Môn xã Phong Bình cho hay, bản thân tôi có hơn 4 sào trồng mô hình ngô sinh khối, qua quá trình thực hiện tôi nhận thấy cây ngô sinh khối dễ làm,phù hợp gieo trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ Hè Thu. Đói với cây ngô sinh khối này có khả năng phát triển tốt trong điều kiện thâm canh cao, đặc biệt bộ phận thân lá phát triển mạnh, nên cho năng suất sinh khối cao, đây là yếu tố góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, ước tính năng suất đạt 65 tấn/ha, với giá bán 1.000đ/kg, sau khi trừ chi phí các khoản giống, vật tư, máy cày …, lấy công làm lãi, gia đình tôi thu về gần 10 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây, có năm mất mùa lỗ cả tiền đầu tư giống, vật tư.
          Ông Bùi Ngọc Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối đã được khẳng định. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động bà con nông dân mở rộng diện tích để tăng thu nhập.
         Trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị lần này, sau khi đi thăm mô hình ngô sinh khối, ông Phạm Công Hoạt - Trưởng phòng trồng trọt, Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao hiệu quả của mô hình trồng ngô sinh khối ở huyện Gio Linh và khuyến cáo các ban ngành, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân cần liên kết chặt chẽ, mở rộng diện tích canh tác, đảm bảo đầu ra, thu nhập.
          Ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, mô hình trồng ngô sinh khối thành công nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và sự liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị bao tiêu sản phẩm, cho nông dân ứng trước phân hữu cơ Sepon để bà con thực hiện mô hình, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông làm việc với các địa phương kiểm tra, theo dõi định kỳ, ấn định thời gian thu hoạch, tổ chức thu mua sản phẩm cuối vụ, nên bà con yên tâm sản xuất.
          Theo ông Cẩn, mô hình trồng ngô sinh khối trên ruộng thiếu nước mở ra hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, đồng thời tạo bước đột phá mới trong cơ cấu giống cây trồng, phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ, làm tăng hệ số sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ đó giúp bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức sâu rộng, lan tỏa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó mô hình đã thể hiện sự kết nối giữa 3 nhà: nhà nước - nhà nông và nhà doanh nghiệp về triển khai thực hiện, liên kết thu mua sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
          Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vận động chính quyền, nông dân mở rộng quy mô, sản lượng ngô sinh khối để tăng thu nhập cho nông dân.
Trần Thúy, Xuân Lộc– Trung tâm KN Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây