QUẢNG TRỊ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN THẢO DƯỢC GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

Thứ tư - 10/08/2022 03:27
Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột, là bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua Doanh nghiệp… để tạo ra những sản phẩm nông sản đồng nhất về chất lượng, mang tính hàng hóa cao, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, giá trị cao và có chổ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu.
        Là tỉnh thuần nông, với gần 70% dân số sống bằng nông nghiệp, nằm trong vùng giao thao của nhiều tiểu vùng khí hậu, có địa hình và đất đai thuận lợi, có nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, trong đó nguồn thảo dược dồi dào và có các hoạt chất là thuốc chất lượng cao. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng và chế biến các bài thuốc dân gian cổ truyền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh tiềm năng về địa chất, địa hình và khí hậu thời tiết để phát triển nguồn dược liệu có chất lượng cao, Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử cách mạng cùng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng với nhiều loại địa hình: rừng, núi, động, thác, sông, hồ, biển, đảo… là điểm đến của du lịch lịch sử, tâm linh và du khách thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, phù hợp phát triển du lịch gắn với trãi nghiệm dược liệu và các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Nhóm cây trồng dược liệu được xác định là 01 trong 06 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đã có nhiều chính sách phát triển, bước đầu hình thành nhiều mô hình trồng, sản xuất và chế biến dược liệu thành công. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận, tiêu biểu như của Công ty TNHH Dược Liệu Hữu Cơ An Xuân, Cty TNHH Tinh dầu thiên nhiên Huyền Thoại, Cty TNHH tinh dầu tràm Bảo Ngọc, HTX Dược liệu Trường Sơn…
         Trên địa bàn tỉnh bước đầu xác định được 230 loài cây dược liệu phân bố tự nhiên, trong đó có một số loài cây dược liệu thuộc danh mục quý hiếm trong tư nhiên như: Đẳng sâm, Vù hương (Xá xị, Re hương), Bình vôi, Hoàng đằng, Bách hợp, Thạch hộc. Quản trị được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây dược liệu với một số cây có thế mạnh có quy mô lớn Nghệ 1.234,2 tấn/năm, Đinh lăng 175,5 tấn/năm, Gừng 413,1 tấn/năm, Sả 2.464 tấn/năm, Cát căn (sắn dây) 350 tấn/năm, tinh dầu tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm). 
         Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhu cầu về dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh. 
Chi phí chi trả cho việc sử dụng thuốc tại Việt Nam năm 2018 là 5,14 tỷ USD; trong đó: Tổng giá trị chế phẩm từ dược liệu (vị thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) ước tính khoảng 440 triệu USD (chiếm 8.4 % tổng giá trị điều trị bệnh) bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền với tổng ước tính 330 triệu USD và vị thuốc với ước tính khoảng 110 triệu USD. Theo thống kê sơ bộ của Hội đông y tỉnh, ước tính mỗi năm chi phí sử dụng thảo dược trong khám chữa bệnh trên địa bàn đạt trên 45 tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong sản xuất dược liệu làm thuốc.
         Nhu cầu sử dụng y dược cổ truyền ngày càng cao. Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đang dần mở rộng, trong đó có 63 bệnh viện YHCT công lập và nhiều cơ sở khám chữa bệnh sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền thông qua hình thức đấu thầu theo quy định. Thống kê hàng năm cho thấy dược liệu được sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh có xu hướng tăng cả về chủng loại và số lượng các mặt hàng (trung bình tăng khoảng 10%/năm) với tổng khối lượng ước tính khoảng 3000 tấn /năm với khoảng 300 loại dược liệu. Ngoài ra, còn lượng lớn các dược liệu sử dụng trong hệ thống khám chữa bệnh tư nhân và người dân tự mua dược liệu để sử dụng. 
           Để phát triển các chuỗi giá trị dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, cũng như bảo tồn giá trị tri thức bản địa, nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn, từng bước khởi nghiệp xây dựng thương hiệu phát triển kinh tế xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1113/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 phê duyệt Đề án Khuyến kích phát triển cây dược liệu gắn vưới Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2026, tầm nhìn đến năm 2030: Trong đề án thể hiện các quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, với đối tượng cây dược liệu được lựa chọn và bố trí các nguồn lực cho các nhiệm vụ cụ thể để triển khai các hoạt động cụ thể của đề án, thông qua việc (1) Huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu, đặc biệt là nguồn đầu tư từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới, giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. (2) Phát triển dược liệu gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. (3) Đẩy mạnh tổ chức sản xuất dược liệu theo chuỗi liên kết giá trị, kết hợp với truy xuát nguồn gốc xuất xứ từ khâu nuôi trồng, thu hái, bào chế, chế biến sản xuất thành phẩm đáp ứng các quy định về thực hành tốt nuôi trồng GACP. Công bố chất lượng dược liệu theo thông tư 38/2021/TT-BYT: quy định chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. (4) Tăng cường công tác nghiên cứu đánh giá, lựa chọn phát triển một số cây dược liệu đặc biệt có lợi thế về năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh để tập trung đầu tư nuôi trồng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu quốc tế (Tràm, vù hương...). 
           Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, với phương châm biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết “Quảng Trị đang chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác kinh tế”. 
           Với những chính sách, định hướng đã có, tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu có thêm 15-20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 01 sản phẩm được công nhận sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, thời gian tới, hy vọng rằng nhóm cây trồng thảo dược sẽ thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, nhất là khu vực nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Ngọc Thạch- Sở NN & PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây