KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU MÔ HÌNH NÔNG LÂM KẾT HỢP

Thứ hai - 02/08/2021 05:06
Nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất trong đó cây hàng năm, cây bụi, cây thanh thảo được trồng xen kẻ giữa các cây trồng lâu năm, cũng có thể kết hợp đồng cỏ, chăn nuôi. Sự kết hợp này có thể tiến hành đồng thời hoặc kế tiếp theo không gian, thời gian để tạo ra đa dạng hơn, năng suất hơn, sinh thái và bền vững trong hệ thống sử dụng đất. Chính vì thế, mô hình ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như người dân, đặc biệt là người dân vùng gò đồi, vùng núi.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Gia đình ông Nguyễn Xuân Đức thôn Thủy Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 12ha đất. Phần lớn diện tích từ trước là trồng rừng tràm.
Đến năm 2019, trên cơ sở điều kiện của gia đình sẵn có, ông Đức được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình Nông lâm kết hợp trên diện tích 3.5ha.
 
Trong đó có 1ha Cam V2, 1ha tràm, 0,5ha ổi, 1 ha bưởi da xanh. Ngoài ra còn có các cây trồng khác như vải thiều, thanh long,… gia đình còn nuôi thêm cá, gà, ong.
Canh tác của gia đình ông Đức tiêu biểu cho mô hình Nông lâm kết hợp của vùng, được người dân địa phương quan tâm. Mà theo như chia sẻ của ông thì mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho các hộ dân cũng như gia đình ông Đức về mặt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây cũng như kỹ thuật chăn nuôi trước khi xây dựng mô hình.
Gia đình cũng được hỗ trợ thêm nguồn giống các loại cây, giống gà, phân bón cho từng đợt chăm sóc.
Qua quá trình triển khai mô hình đến nay, nhờ có được hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ trung tâm cũng như hợp tác tích cực của gia đình ông đã cho thấy sự thích ứng cao của mô hình, tỷ lệ sinh trưởng và phát triển của cây trồng đạt trên 95%.
Trên cơ sở lấy ngắn nuôi dài , gia đình ông Đức trồng thêm vải thiều cho năng suất 30 - 35 triệu đồng/vụ. Nuôi ong lấy mật cho năng suất 8 - 10 triệu đồng/lứa. Đàn gà cũng mang lại thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ lứa xuất chuồng.
Ông Đức chia sẻ: “ Mô hình đã giúp gia đình tận dụng được hết nguồn lực sẵn có, tăng thu nhập và tạo nguồn vốn xoay vòng so với chỉ trồng đơn thuần cây lâm nghiệp. Với sự đa dạng về sản phẩm đầu ra, cho thu hoạch vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm và không phải bỏ nhiều kinh phí đầu tư cùng một lúc nên mô hình đã đem lại hiệu quả và cho thu nhập cao.Thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc và phát triển mô hình để mang lại hiệu quả hơn nữa”
Mô hình nông lâm kết hợp đưa lại nhiều tác động tích cực: góp phần tăng thu nhập; tác động tích cực đến môi trường (giảm dòng chảy bề mặt và xói mòn đất; duy trì độ mùn và cải thiện lý tính của đất, phát huy chu trình tuần hoàn dinh dưỡng, tiết kiệm nước,…). Tuy nhiên, không phải triển khai mô hình nông lâm kết hợp đều mang lại hiệu quả mong muốn, nếu không hội đủ các yếu tố cần và đủ. Ví dụ, không trồng xen lẫn lộn nhiều loại cây khác nhau, nhiều loại giống khác nhau; không tùy tiện về vị trí bố trí trồng để tạo sự cạnh tranh gay gắt về ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng; không chạy đua theo phong trào để tránh vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt, chặt lại trồng hay được mùa mất giá, được giá mất mùa… Đó còn là phải đạt được những yêu cầu như: kỹ thuật canh tác; mục tiêu được xác định rõ ràng; các giải pháp khắc phục cụ thể…
Lê Thị Huyền - Trạm KN Vĩnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây