CÔNG TÁC PHỤC HỒI RỪNG ĐẶC DỤNG TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

Thứ hai - 02/08/2021 05:01
“Phục hồi rừng” là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (BQL) đặt ra trong năm 2021. Nhằm mục đích tăng diện tích rừng, nâng cao độ che phủ của rừng góp phần vào công cuộc phục hồi đa dạng sinh học, phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nói riêng và hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung.
CÔNG TÁC PHỤC HỒI RỪNG ĐẶC DỤNG TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN
         Qua 02 năm triển khai thực hiện (2019-2020), Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã triển khai trồng phủ xanh được hơn 230 ha rừng trong lâm phân được giao quản lý từ chương trình trồng rừng thay thế và dự án phục hồi rừng trên diện tích đất bị chiến tranh tàn phá do Trung tâm bảo tồn Thiên Nhiên Việt (thuộc Liên hiệp hội Khoa học Việt Nam) tài trợ, cụ thể: trồng được 154,05 ha rừng từ chương trình trồng rừng đặc dụng thay thế với các loài cây như Sao đen (Hopea odorata), Nhội (Bischofia javanica), Trẩu (Vernicia montana) tại tiểu khu 627A, 627B, tiểu khu 628B thuộc địa bàn hành chính xã Hướng Lập (diện tích 74 ha năm 2019) và tiểu khu 630, 638S xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (diện tích 80,05 ha trong năm 2020). Bên cạnh đó trong năm 2019-2020 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt triển khai thực hiện dự án phục hồi rừng trên diện tích đất bị chiến tranh tàn phá với tổng diện tích đã trồng 77,55 ha thuộc các tiểu khu 617, 617A xã Hướng Lập và các tiểu khu 670B, 670D, NTK20 xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa; với số lượng 11 loài cây được trồng xen kẽ giữa các tiểu khu để tăng cường tính đa dạng sinh học bao gồm các loài: Gáo (Neonauclea purpurea), Lim xanh (Erythrophleum fordii), Muồng đen (Cassia siamea), Trâm (Syzygium sp), Xoan nhừ (Choerospondias axill), Dẻ (Lithocarpus ailaoensis), Huỷnh (Tarrietia javanica), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Nhội (Bischofia javanica), Re hương (Cinnamomum glaucescens), Trẩu (Vernicia montana).
         Để đạt được những thành quả trong công tác phục hồi rừng, Ban quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật từ công tác lựa chọn loài cây trồng bản địa phù hợp với điều kiện lập địa tại khu vực đến các giai đoạn trồng và chăm sóc… Bên cạnh đó, đơn vị chủ động kết hợp các biện pháp như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng từ việc trồng bổ sung các loài cây và trồng mới rừng trên diện tích đất chưa có rừng.
image 20210802160309 1
Tuần tra bảo vệ rừng
Thực hiện tốt công tác phục hồi rừng của đơn vị sẽ góp phần vào giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, từ đó cải thiện cuộc sống xung quanh chúng ta... Nhận thức rõ được tầm quan trọng ấy, trong năm 2021 theo kế hoạch đề ra, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện khảo sát thêm các diện tích đất trống để đưa vào trồng rừng với diện tích dự kiến 50 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 100 ha. Tiếp tục xúc tiến, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để thực hiện công tác chăm sóc những cánh rừng đã trồng trong giai đoạn 2019 - 2020; từ đó góp phần vào quá trình thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cả nước “Chung sức, đồng lòng” trồng mới 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực để BQL tiếp tục triển khai Kế hoạch phục hồi rừng trong thời gian đến.
Trần Đăng - Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây